Từ điển Chu Dịch được biên soạn khá công phu, mang tính chuyên môn sâu và nội dung bao quát tương đối rộng, vừa giải thích, vừa dẫn chứng, vừa khảo chứng, rất bổ ích cho người học tập và nghiên cứu Kinh Dịch. Có thể nói đây là một bộ sách “tập đại thành” về Kinh Dịch, chứa đựng nhiều tri thức về Dịch học và liên quan tới Dịch học, nhiều tri thức tinh mật Đông phương về tự nhiên, xã hội và con người.
Từ Điển Chu Dịch – Cảm ngộ ngày xuân
Xưa kia Tư Mã Thiên trong Sử ký – Khổng Tử thế gia từng nói:
“Khổng Tử về già thích đọc Dịch, khắc khổ nghiên cứu đến nỗi sợi dây xâu các thẻ sách Chu Dịch bị đứt ba lần. Cuối cùng soạn thành 10 thiên Dịch truyện: Thoán, Hệ, Tượng, Thuyết quái, Văn ngôn, để diễn giải kinh nghĩa của 64 quẻ. Ông còn nói: “Nếu cho ta vài năm nữa thì đối với Dịch, ta sẽ hiểu rõ ràng”. (Khổng Tử vãn nhi hỉ Dịch, tự Thoán, Hệ, Tượng, Thuyết quái, Văn ngôn. Độc Dịch vi biên tam tuyệt. Viết: giả ngã sổ niên, nhược thị, ngã vu Dịch tắc bân bân hĩ). ở Việt Nam, những bậc thức giả lớn cũng đều rất thích Chu Dịch. Nguyễn Trãi trong bài thơ Nôm Tự thán số 35 viết:
“Nắng quáng thưa thưa bóng trúc tre,
Cây im thư thất sáng bằng the.
Tỏ tường phiến sách con Chu Dịch,
Bàn bạc lòng nhàn cái quýt chè…”
Còn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thơ Nôm, thơ Hán của ông đều thấm đượm mùi vị của triết lý Chu Dịch. Những người yêu thích Chu Dịch qua các thời đại thật không thể kể xiết. Ngày nay trong hành trang tri thức của cán bộ nghiên cứu Hán Nôm nói riêng, cũng như cán bộ nghiên cứu văn hóa Việt Nam và Đông phương nói chung, không thể thiếu vắng được tri thức về Chu Dịch. Trong bài viết này, chúng tôi xin phép được giới thiệu vài nét về Chu Dịch thông qua bộ Từ điển Chu Dịch mà chúng tôi cho đây là một cái mốc đáng kể trong những thành tựu nghiên cứu Dịch học tại Trung Quốc mấy năm lại đây.
Dịch còn gọi là Chu Dịch (sách về đạo Dịch của nhà Chu (1066 – 256 TCN), là một bộ sách triết học cổ nhất của Trung Quốc và thế giới hiện nay. Đi xa hơn nữa, nếu nói cho đủ là “tam Dịch” (ba bộ sách về Dịch) gồm Liên sơn, Quy tàng và Chu Dịch. Đó là ba bộ sách bói cổ xưa, đều có phù hiệu Bát quái (8 quẻ) và Lục thập tứ quái (64 quẻ).
- Tương truyền Liên sơn là bộ sách bói thời Phục Hy, 64 quẻ của sách này bắt đầu bằng quẻ Cấn (núi), thịnh hành thời nhà Hạ (2140 – 1711 TCN).
- Quy tàng là sách bói thời Hoàng Đế, 64 quẻ bắt đầu bằng quẻ Khôn (đất), thịnh hành thời nhà Thương (1711 – 1066 TCN). Hai bộ sách này đã thất truyền từ lâu, nay chỉ còn lại bộ Chu Dịch (mà từ đây trở xuống chúng tôi gọi là Kinh Dịch), 64 quẻ bắt đầu bằng quẻ Càn (trời).
Nếu nói theo cách nói truyền thống thì Dịch đã hình thành sớm nhất: về thời gian là đã trải qua “ba đời cổ”: thượng cổ, trung cổ và hạ cổ; còn về tác giả là đã trải qua “ba đời thánh”: Phục Hy, Văn Vương, Khổng Tử. Phục Hy là vị tù trưởng thời kỳ xã hội nguyên thủy Trung Quốc. Ông là tác giả của phần phù hiệu của Bát quái (8 quẻ).
Hệ từ hạ truyện nói: “Xưa có Bao Hy thị (tức Phục Hy) làm vua thiên hạ ngẩng lên xem tượng trời, cúi xuống xem phép đất, xem vết chim muông, cùng với sự nghi của đất, gần thì lấy từ bản thân mình, xa thì lấy ở vật, bắt đầu làm ra tám quẻ để thông với đức của thần minh, để hòa với tình của vạn vật”. Đó là Dịch vào thời “thượng cổ” (Dịch của Phục Hy).
Văn Vương là vị vua thứ nhất nhà Chu, cùng với con là Vũ Vương có công dẹp Trụ là vị vua bạo ngược cuối cùng của nhà Thương rồi lập ra nhà Chu. Sử chép, trong thời gian ông bị Trụ giam ở ngục Dữu Lý (nay ở phí bắc Thang Âm, Hà Nam) đã đem 8 quẻ (Bát quái) của Phục Hy diễn thành 64 quẻ (lục thập tứ quái) và soạn ra Quái từ, Hào từ (lời quẻ, lời hào).
Sử ký – Chu bản kỷ nói: “Tây bá (tức Chu Văn Vương) ở ngôi năm 50 tuổi. Trong thời gian bị giam ở ngục Dữu Lý đã tăng 8 quẻ của Dịch thành 64 quẻ”. Hán thư – Nghệ văn chí cũng chép: “Đến thời Ân Chu, Trụ ở ngôi cao, nghịch trời hại vật. Văn Vương là chư hầu, thuận mệnh thi hành đạo trời, chiêm nghiệm trời người để làm theo, thế rồi chồng 6 hào của Dịch soạn thành thượng hạ thiên”. Đó là Dịch vào thời “trung cổ” (Dịch của Văn Vương).
Khổng Tử (551- 479 TCN) người ấp Trâu, nước Lỗ thời Xuân thu, là nhà tư tưởng, giáo dục vĩ đaị thời Tiên Tần, sáng lập ra trường phái Nho gia. Quan điểm của các học giả trước Hán – Đường đều cho phần Thập dực là do Khổng Tử soạn ra. Sử ký – Khổng Tử thế gia: “Khổng Tử về già thích Dịch, viết Thoán, Hệ, Tượng, Thuyết quái, văn ngôn”. Hán thư – Nghệ văn chí và Chu Dịch chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt (đời Đường) cũng nói gần như vậy.
Đến đời Tống, Âu Dương Tu có nêu những nghi ngờ. Nhưng cho dù phần Thập dực có phải là của Khổng Tử viết toàn bộ hay không, hay là có cả phần do học trò mình viết, thì đến thời Xuân thu, Dịch đã trở thành một bộ sách hoàn chỉnh, bao gồm cả phần phù hiệu của 8 quẻ, 64 quẻ và đầy đủ các phần kinh truyện.
Đó là bộ mặt của Dịch vào thời “hạ cổ” (Dịch của Khổng Tử). Nhưng gọi là “kinh” với tư cách là tên gọi thông dụng của một loại sách chuyên môn, độc lập thì đến đời Hán Vũ Đế mới hình thành. Nhà vua đặt chức Ngũ kinh bác sĩ và Dịch trở thành bộ kinh, đứng đầu các kinh, lấy Dương Hà làm vị Dịch kinh Bác sĩ đầu tiên. Nhưng tên gọi Dịch kinh lúc đầu thời Hán là để chỉ phần kinh văn của 64 quẻ. Về sau, khi Phí Trực, Trịnh Huyền đưa phần Thập dực vào sau, đi liền với Quái từ, Hào từ thì Dịch kinh mới bao gồm cả hai phần “kinh” và “truyện” như ngày nay.
Như vậy là trải qua “ba đời cổ”. “ba đời thánh” Kinh Dịch đã ra đời, hình thành và ổn định. Tính về mặt thời gian là cách nay chừng 5000 năm. Tính về mặt tác giả là tập thể (chí ít cũng là 3 người, như chúng tôi vừa trình bầy ở trên). Từ một cuốn sách đầu tiên vốn không có chữ, chỉ có phù hiệu, rồi đến có chữ, từ một cuốn sách bói trở thành một tác phẩm triết học đồ sộ, vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nhân loại, chưa kể đến những giá trị to lớn về lịch sử, xã hội, ngôn ngữ, văn học, mỹ học v.v…
Cho đến tận ngày nay, do Dịch phản ánh chân thật phổ quát quy luật phát sinh, vận động của tự nhiên và xã hội, mà căn nguyên chí giản chí dị là từ hai yếu tố âm – dương trong một sự vật vừa mâu thuẫn vừa thống nhất, tiêu tức, đắp đổi, chuyển hóa lẫn nhau mà sinh ra.
Dịch kiêm đủ cả 5 nghĩa: biến Dịch, giao Dịch, phản Dịch, đối Dịch, và di Dịch, nên từ khi ra đời đến nay (và mãi mãi sau này) nó đã, đang và sẽ liên tục, liên tục, liên tục phát triển. Nếu như Johann Wolfgang Goethe nhà triết học, nhà văn Đức lỗi lạc thế kỷ XVIII – XIX nói câu nổi tiếng: “Mọi lý thuyết đều là mầu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” thì câu nói này có thể nói đúng với mọi học thuyết, nhưng trừ Kinh Dịch. Bởi Kinh Dịch chính là bộ sách (kinh) nói về sự vận động (Dịch). Từ vũ trụ cho đến cuộc sống tự nhiên xã hội và con người đều là vận động theo nguyên lý của Kinh Dịch.
Có thể trích ra hàng loạt câu nói nổi tiếng ca ngợi sự đúng đắn của đạo Dịch, của triết lý Kinh Dịch. Hệ từ thượng truyện nói: “Ôi đạo của Dịch rộng lớn thay! Lấy nó mà nói về việc xa thì không bao giờ cùng, nói việc gần thì bình thản mà chính đính. Nó bao gồm đầy đủ tất cả mọi việc trong khoảng trời đất” (Phù, Dịch quảng hĩ, đại hĩ. Dĩ ngôn hồ viễn tắc bất ngự. Dĩ ngôn hồ nhĩ tắc tĩnh nhi chính. Dĩ ngôn hồ thiên địa chi gian tắc bị hĩ). Hoặc như một câu khác cũng trong Hệ từ thượng truyện: “Triết lý Chu Dịch rộng lớn đầy đủ, bao quát hết thảy mọi thứ, gồm chứa cả đạo hóa dục của trời đất, tỷ mỷ cặn kẽ giúp vạn vật sinh trưởng, phát triển, không bỏ sót một vật nào” (Dịch phạm vi thiên địa chi hóa nhi bất quá, khúc thành vạn vật nhi bất di).
Do tính bao quát cùng khắp như vậy của đạo Dịch, nên nó có phạm vi ứng dụng rất rộng rãi. Nó hàm chứa đủ cả bốn phương tiện ứng dụng thường dùng của thánh nhân. Đó là nếu dùng Kinh Dịch để chỉ đạo ngôn luận thì coi trọng lời văn; chỉ đạo hành động thì đề cao biến hóa; chỉ đạo việc chế tác khí vật thì coi trọng biểu tượng; chỉ đạo việc quyết đoán nghi ngờ thì coi trọng chiêm bốc” (Dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên: Dĩ ngôn giả thượng kỳ từ, Dĩ động giả thượng kỳ biến; Dĩ chế khí giả thượng kỳ tự; Dĩ bốc phệ giả thượng kỳ chiêm – Hệ từ thượng truyện).
Được như vậy chính là do: “Dịch chính là điều mà thánh nhân đã nghiên cứu, nghiền ngẫm một cách cực kỳ sâu xa, vi diệu”. (Phù, Dịch thánh nhân chi sở cực thâm nhi nghiên cơ dã – Hệ từ thượng truyện). Hoặc Dịch đã thăm dò những điều huyền vi, tìm tòi những thứ ẩn khuất, moi móc những thứ sâu kín, đạt tới đạo lý sâu xa” (Thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn – Hệ từ thượng truyện).
Nói tóm lại: “đạo Dịch là chuẩn khớp với trời đất, nên bao quát khắp cả đạo trời đất” (Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo – Hệ từ thượng truyện). Hoặc: “Đạo Dịch rốt ráo thay ! Bao gồm bản thể to tát, công dụng thần diệu đều tồn tại ở khắp mọi nơi” (Chí tai Dịch hồ. Kỳ đạo chí đại nhi vô bất bao; kỳ dụng chí thần nhi vô bất tồn. Trình Di – Dịch tự). Đấy là chưa kể Kinh Dịch còn là cội nguồn uyên nguyên lập thuyết của nhiều môn học huyền bí cũng như không huyền bí nữa, như: Thiên văn, Địa lý, Lịch pháp, Nhạc luật, Binh pháp, Vận học, Toán thuật, Y học, Lý số, cho đến cả “lô hỏa ngoại phương” (kỹ thuật luyện đan, dưỡng sinh), “Thiền gia diệu đế” (giáo lý nhà Phật), và cả các ngành khoa học của phương Tây gần đây nữa (theo bài bạt của tác giả Trương Thiện Văn trong sách Từ điển Chu Dịch.
Đến đây xin nói qua về Dịch học (tức là môn học nghiên cứu về Dịch) và sự phát triển của Dịch học.
Từ đầu thời Tây Hán, sau khi Kinh học được đề cao, Chu Dịch được liệt vào trong những kinh sách được giảng dạy ở các trường học của nhà nước, do vậy Dịch học trở thành một ngành học chuyên môn mà các thời truyền thừa phát triển. Hán thư – Nghệ văn chí: “Đến khi nhà Tần chủ trương đốt sách, cho sách Dịch thuộc loại sách bói, nên vẫn cho phép lưu truyền, mà không bị tuyệt diệt. Khi nhà Hán hưng thịnh, thì có Điền Hà truyền bá. Đến thời Tuyên Đế, Nguyên Đế, trong Học quan thì có Thi Thù, Mạnh Hỉ, Lương Khâu Hạ, Kinh Phòng; trong dân gian thì có thuyết của hai nhà Phí Trực, Cao Tướng”. Thời Hán Vũ Đế, nhà vua còn lập ra học vị Bác sĩ Kinh học, trong đó Dương Hà là vị Dịch kinh Bác sĩ đầu tiên. Từ đó xuất hiện những chuyên gia nghiên cứu về Dịch học mà sách vở gọi là “Dịch gia”.
Như chúng ta đều biết, Dịch thành sách lấy Tượng số làm cơ sở. Thực chất của Tượng số lại là để bầy tỏ nghĩa lý. Do vậy Dịch học chia thành hai tông phái lớn là Tượng số và Nghĩa lý. Rồi từ đó lại chia thành những phái nhỏ, gọi là “Nhị phái lục tông” (lưỡng phái lục tông).
Đại để Dịch học thời Hán thuộc trường phái Tượng số kế thừa thời Tiên Tần, sau chuyên về chiêm nghiệm âm dương tai biến, đi vào chiêm đoán họa phúc. Thời Đường với các đại biểu lớn là Vương Bật, Khổng Dĩnh Đạt, Hàn Khang Bá, Dịch học phát triển theo trường phái Nghĩa lý, lấy huyền lý Lão – Trang để thuyết Dịch. Đến thời Tống, Dịch học phát triển đến đỉnh cao cả Tượng số, lẫn Nghĩa lý, bộ mặt Dịch học hoàn toàn đổi mới, ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sau. Nói đến Dịch học đời Tống phải kể đến phái Tiên thiên tượng số với Trần Đoàn, Lưu Mục, Thiệu Ung sáng chế ra các loại Dịch đồ nhằm khám phá bí mật hóa sinh của vạn vật trong tự nhiên. Lại có phái “chuyên phát triển trình bầy Nho lý như Hồ Viện, Trình Di… Sang thời Nam Tống, lại có phái Chu Hy, Thái Nguyên Định… kết hợp cả hai phái, nên ảnh hưởng càng sâu rộng hơn. Còn phái của Lý Quang, Dương Vạn Lý thì tham chứng sự thật lịch sử, lấy đó để giải thích Dịch, bắt nối Dịch lý với lịch sử, mở ra một hướng mới cho Dịch học.
Tất cả những điều mà chúng tôi vừa trình bầy trên đây, và rất nhiều điều khác nữa chúng ta có thể tìm thấy trong bộ sách Từ điển Chu Dịch do Trương Thiện Văn biên soạn, Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải xuất bản năm 1992. Theo lời bạt của tác giả cho biết, tác giả là học trò của nhà Dịch học nổi tiếng đương đại, Giáo sư Hoàng Thọ Kỳ, mà giới học giả thường gọi là “Lục Am tiên sinh”.
Bộ Chu Dịch từ điển này tác giả thực sự bắt tay làm từ mùa hạ năm 1988, đến mùa hạ năm 1990 thì cơ bản hoàn thành. Trong suốt quá trình đó, tác giả đã được thầy mình động viên, khích lệ, đọc duyệt góp ý cho bản thảo, và viết cả lời tựa cho bộ sách, mà chỉ 44 ngày sau đó, thầy đã vội vã lìa đời sau một cơn bệnh nặng.
Nội dung Từ Điển Chu Dịch
Theo Phàm lệ, bộ Từ Điển Chu Dịch này gồm hơn 4600 mục từ được chia thành 7 loại:
- Thường thức Dịch học (kiến thức chung về Dịch học): 243 mục từ.
- Dịch phái, Dịch lệ (trường phái, thể lệ Dịch học): 344 mục từ.
- Kinh truyện yếu ngữ (gồm tên quẻ, tên hào, tên thiên Thập dực, từ ngữ quan trọng trong kinh truyện, là bộ phận chủ yếu của bộ từ điển này). Thượng kinh 1268 mục từ. Hạ kinh 1313 mục từ (cộng 2581 mục từ); Hệ từ truyện 90 mục từ. Thuyết quái truyện: 28 mục từ, Tự quái truyện: 64 mục từ, Tạp quái truyện: 37 mục từ.
- Dịch từ diễn dụng (những từ có nguồn gốc, có xuất xứ từ Chu Dịch giúp làm sáng tỏ ảnh hưởng của Chu Dịch đối với Hán ngữ học): 175 mục từ.
- Trị Dịch danh gia (các nhà nghiên cứu về Dịch học): 401 nhà.
- Dịch học yếu tịch (những tác phẩm Dịch học): 578 tên sách
- Biệt loại tham lệ (những nội dung về mối quan hệ giữa Dịch học với các ngành khoa học khác, và những nội dung chưa đưa vào 6 loại trên): 81 mục từ(1).
Phàm lệ còn cho biết thêm, về mục các nhà nghiên cứu Dịch học, những nhà trước Hán – Đường thì cố gắng đưa đầy đủ, từ Lưỡng Tống về sau thì lựa chọn những nhà có ảnh hưởng tương đối lớn. Những nhà Dịch học đương đại thì giới hạn năm mất vào đầu thập kỷ 50 của thế kỷ này. Về mục những tác phẩm Dịch học thì chọn những tác phẩm Dịch học quan trọng trong các thời đại hiện còn làm chính. Các văn bản cũ thì nói chung chọn loại thiện bản, hoặc tương đối phổ biến. Những tác phẩm đương đại thì đưa cả nhà xuất bản và năm tháng xuất bản lần đầu. Về việc giải thích ngữ nghĩa, nếu có nhiều nghĩa thì từ điển cũng nêu đủ, nhưng chỉ giới hạn ở nội dung có liên quan đến Dịch học mà thôi. Khi giải thích có châm chước tiếp thu những tư liệu có liên quan để chứng minh, cốt làm sáng tỏ cái gốc của sự lập thuyết… Nếu muốn phát biểu ý kiến của người biên soạn, và những chỗ khảo dị, biện nghi về âm, nghĩa thì thêm chữ “án” (xét) để phân biệt.
Ngoài ra ở phần đầu bộ Từ điển này còn có 29 hình vẽ và biểu bảng quan trọng về Dịch học của các nhà. Dưới mỗi biểu bảng, hình vẽ đều có thuyết minh ngắn gọn, và chúng đều có quan hệ với các mục từ trong chính văn.
Nếu đọc vào nội dung từng mục từ cụ thể, chúng ta có thể thấy mỗi mục từ có thể coi là một bài nghiên cứu nhỏ, tác giả phân tích sâu, dẫn chứng rộng, lập thuyết hợp lý, thuyết phục.
Thí dụ như mục từ “Khiêm”, Từ điển cho biết: Khiêm là tên quẻ thứ 15 trong 64 quẻ, do quẻ dưới là Cấn () và quẻ trên là Khôn () hợp thành. Hình quẻ là (Địa sơn Khiêm), tượng trưng cho sự khiêm tốn. Tiếp đó mục từ trích sách Thượng thư, chương Đại Vũ mô để mở rộng thêm: “Tự mãn thì sẽ tổn hại, khiêm tốn thì được ích lợi” (mãn chiêu tổn, khiêm thị ích). Câu đó phù hợp với ý nghĩa lớn ca ngợi đạo đức khiêm tốn của quả Khiêm. Qua hình quẻ, Đạị tượng truyện của quẻ Khiêm còn cho biết: “Núi cao mà ẩn tàng trong lòng đất, là tượng trưng cho sự khiêm tốn. Người quân tử nhìn tượng ấy thì khi hành động phải biết lấy ở chỗ quá nhiều để bổ sung cho chỗ không đủ, cân đong sự vật phải sao cho được công bằng”. (Địa trung hữu sơn, Khiêm. Quân tử dĩ biều đa ích quả, xứng vật bình thí).
Quái từ quẻ Khiêm còn nhấn mạnh thêm: “Quẻ Khiêm tượng trưng cho sự khiêm tốn, nên được hanh thông. Nhưng chỉ có bậc quân tử mới giữ được đạo đức khiêm tốn trước sau như một. (Khiêm hanh, quân tử hữu chung). Mục từ còn trích Hàn Thi ngoại truyện, dẫn lời Chu Công Đán thường mượn quẻ này để khuyên Bá Cầm: “Dịch có một con đường, lớn đủ để giữ thiên hạ, vừa đủ để giữ quốc gia, nhỏ đủ để giữ thân, đó là đạo khiêm tốn vậy”.
Tiếp đó, mục từ nêu tình hình cụ thể của các hào: Cả 6 hào trong quẻ, 3 hào dưới đều tốt mà không xấu, 3 hào trên đều lợi mà không hại. Sự tốt lợi trong Dịch ít có quẻ nào được hoàn toàn như vậy. Hào Sơ lục là “khiêm khiêm”, hào Lục nhị là “minh khiêm”, hào Cửu tam là “lao khiêm”, hào Lục tứ là “huy khiêm”… (xin lưu ý rằng, lăng vua Tự Đức ở Huế có tên là Khiêm lăng, và các bộ phận kiến trúc trong lăng đều được đặt tên bằng các lời hào của quẻ này).
Cuối cùng, mục từ trình bầy quan hệ biện chứng giữa việc giữ đạo khiêm tốn với việc dẹp bỏ thói kiêu ngược được trình bầy trong hai hào Lục ngũ và Thượng lục. Hoặc lấy một mục từ về tên sách, như mục từ Chu Dịch bản nghĩa của Chu Hy để chứng minh. Nội dung mục từ nêu rõ tên tác giả, thời đại, số quyển, ai khắc, khắc vào thời nào. Nội dung chính của sách là gì, lập thuyết chịu ảnh hưởng của ai, bố cục của sách giống bản nào, của ai, đầu sách cuối sách có phần gì, đời sống của tác phẩm này qua các thời có gì thay đổi, Tứ khố toàn thư đề yếu nhận xét ra sao, bộ mặt hiện nay của sách thế nào v.v… Nhiều khi tên mục chỉ là một câu, như mục từ “Vô cực nhi thái cực”, tác giả cũng chỉ rõ đó là câu nói của ai, trong tác phẩm nào, Chu Hy giải thích thế nào, anh em Lục Cửu Uyên hiểu ra sao, khác nhau thế nào, khi nào thì xuất hiện câu “Tự vô cực nhi vi thái cực”, ai thêm vào chữ “tự” và “vi”, thêm vào 2 chữ này thì bản nghĩa bị xuyên tạc đi như thế nào, v.v…
Các mục từ về các nhà Dịch học, đọc cũng rất thú vị. ở đây ngoài việc chúng ta biết được họ tên, thụy, hiệu, năm sinh, năm mất, quê quán, quan tước, các tác phẩm Dịch học của họ còn mất ra sao, chúng ta còn biết được cả tính cách, hành trạng, quan điểm sống và học thuật của họ nữa, đọc lên có sức cảm hóa người đọc khá mạnh.
Thí dụ, ở mục từ Trình Hiệu, Từ điển viết: “Ông tư chất hơn người , lại được đạo học dưỡng dục, nên khí hòa tinh túy dồi dào khắp người . Học trò, bạn bè quen ông mấy chục năm, chưa từng thấy ông cáu giận bao giờ…”. Hoặc ở mục từ Vương Chiêu Tố, từ điển viết: “Hồi trẻ ông dốc chí học tập, không làm quan, có chí khí, được quê hương ca ngợi. Ông đi chợ, mua thứ gì, cứ theo lời người bán mà trả, không mặc cả bao giờ. Người trong huyện bảo nhau: Vương tiên sinh mua hàng thì không được nói thách. Ông nhà có cây cột gỗ chất trong cửa, nửa đêm có trộm, lách cửa sắp vào, ông biết, liền ngầm từ trong cửa vứt gỗ ra ngoài, tên trộm xấu hổ bỏ đi. Từ đó cả thôn không còn trộm cắp. Nhà ông có con lừa, nhiều người đến mượn. Mỗi khi sắp đi đâu, ông hỏi đầy tớ trước, biết là không có ai mượn lừa ông mới ra đi. Người xã kiện tụng, không tới phủ quan, mà toàn đến nhờ ông hòa giải cho. Ông hiểu rộng cửu kinh, tinh thông Lão, Trang, Thi, Dịch…”
Thay lời kết
Nói tóm lại, bộ Từ điển Chu Dịch này được biên soạn khá công phu, mang tính chuyên môn sâu và nội dung bao quát tương đối rộng, vừa giải thích, vừa dẫn chứng, vừa khảo chứng, rất bổ ích cho người học tập và nghiên cứu Kinh Dịch. Có thể nói đây là một bộ sách “tập đại thành” về Kinh Dịch, chứa đựng nhiều tri thức về Dịch học và liên quan tới Dịch học, nhiều tri thức tinh mật Đông phương về tự nhiên, xã hội và con người. Còn những ai thích học Dịch, với bộ từ điển này trong tay, theo chúng tôi, là có thể tự học Kinh Dịch được. Nhân ngày xuân được xin giới thiệu với bạn đọc.
MAI XUÂN HẢI
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.