Sao Thiên Tướng – Định Chủ Đa Tài Phúc – Xuất Sĩ Chủ Phi Đằng

Sao Thiên Tướng -Định Chủ Đa Tài Phúc - Xuất Sĩ Chủ Phi Đằng

Sao Thiên Tướng là sao thứ hai của Nam Đẩu, thuộc dương thủy, hóa khí là “ấn tinh”. Người Thiên Tướng phần nhiều suốt đời chỉ làm một nghề, hiếm khi đứng núi này trông núi nọ. Bản thân sao “ấn” có thể thiện mà cũng có thể ác, thiện ác đều do người giữ “ấn”.

Tỉ dụ như “ấn” ở trên pháp đường, có thể làm cho người ta phú quý, cốt nhục đoàn tụ, mà cũng có thể khiến người ta bị hình phạt, gia phá nhân ly, thiện ác khác nhau là do người giữ “ấn” sử dụng. Cho nên người có Thiên Tướng thủ cung mệnh, tuy có lòng chính nghĩa, nhưng cũng có thể trở nên mềm yếu.

Thiên Tướng ở trên trời có hàm ý tương tự như tể tướng hoặc quân sư, trung với chủ nhân, vì chủ nhân mà lập mưu lập kế, lấy sự lợi hại của chủ nhân làm sự lợi hại của bản thân. Vì vậy gặp sao cát thì cát, gặp sao hung thì hung. Cho nên ở 12 cung, Thiên Tướng tùy theo các sao hội hợp mà phân biệt cát hung thiện ác.

Sao Thiên Tướng là gì?

Thiên Tướng là sao thứ hai của Nam Đẩu, thuộc dương thủy. Trong Đẩu Số, Thiên Tướng hóa khí thành “ấn”. Người xưa ví nó với vị quan giữ ấn. Theo lệ xưa, quyền lực mà không có ấn thì mệnh lệnh không được thi hành, cho nên Thiên Tướng trở thành tượng trưng của quyền uy. Tử Vi ưa “Phủ Tướng triều viên”. Thiên Phủ cũng cần phải “phùng Phủ khán Tướng” (gặp Thiên Phủ thì phải xem Thiên Tướng), Thiên Tướng không tương trợ thì Thiên Phủ mất uy quyền.

Nhưng bản thân Thiên Tướng lại thiếu mất tính chất riêng. Nắm giữ ấn tỉ của người khác, nhưng bản thân không có quyền lực, mà chỉ là tượng trưng của quyền lực mà thôi, nên tính cách của Thiên Tướng hoàn toàn bị hoàn cảnh chi phối. Gặp thiện thì thiện, gặp ác thì ác.

Luận đoán Tử Vi Đẩu Số thông thường rất xem trọng tam phương tứ chính, rồi mới so sánh với hai cung giáp xem có gì quan trọng không. Nhưng khi luận đoán Thiên Tướng thì ngược lại, cần phải xem hai cung giáp trước, quan sát xem các sao có thành cách cục hay không, rồi mới quan sát các sao ở tam phương tứ chính của nó.

Thiên Tướng xem trọng giáp cung, là biểu thị việc nó dễ bị hoàn cảnh chi phối.

  • Là “Hai cung lân cận cùng lấn áp”(两邻相侮 lưỡng lân tương vũ)
  • Hay là “Trái phải gặp nguồn”(左右逢源 tả hữu phùng nguyên)

Hai tình huống này ảnh hưởng rất mạnh đến tính chất của Thiên Tướng.

Có hai “giáp cục” rất nổi tiếng như sau:

Một là “Tài ấm giáp ấn”.

Hai cung lân cận của Thiên Tướng tất sẽ chia ra Cự Môn và Thiên Lưong tọa thủ. Thiên Lương là “ấm tinh” (sao che chở), giả dụ như Cự Môn được Hóa Lộc, thì thành chính cách “Tài ấm giáp ấn”.

Nếu Cự Môn không Hóa Lộc, mà các sao đồng độ với Cự Môn như Thái Dương, Thiên Đồng, Thiên Cơ lại Hóa Lộc thì cũng coi là hợp cách, nhưng cách cục kém hơn. Trong số đó lại lấy trường hợp Thái Dương nhập miếu mà Hóa Lộc, và trường hợp Thiên Cơ Hóa Lộc là cách cục tốt hơn. Khi Thiên Cơ Hóa Lộc, Thiên Lương tất nhiên cũng sẽ đồng thời Hóa Quyền, làm tăng sức mạnh của “ấm tinh”, cũng trở thành cách cục hữu lực.

Lộc Tồn và Thiên Lương giáp cung thì không thành cách, bởi vì, ắt sẽ đồng thời có Kình Dương và Thiên Tướng đồng độ, đây là phá cách.

Một là “Hình kị giáp ấn”.

Hai cung kế cận Thiên Tướng, một cung có Kình Dương, một cung có Hóa Kỵ, là thành chính cách. Nhưng gặp trường hợp có tình hình như vậy thì không nhiều. Còn Thiên Tướng ở bốn cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì không cấu tạo thành cách cục này được.

Nhưng bản thân Thiên Lương còn là sao chủ về “hình pháp”, nên dù không có Kình Dương, chỉ cần có một cung kế cận có Hóa Kỵ, thì Thiên Lương vẫn có thể khởi tác dụng của sao “hình”, thành một tổ hợp “Hình kỵ giáp ấn” kiểu khác.

Thiên Lương Hóa Lộc thì không thể giải cứu, cung “hình” mà “đắc tài” thì tình huống càng xấu.

Thiên Lương Hóa Quyền thì chỉ làm tăng quyền thế của cung “hình”. Cần phải có Thiên Lương Hóa Khoa, hơn nữa tam phương tứ chính của Thiên Tướng phải không gặp sát tinh, mà còn gặp các sao cát Thiên Khôi, Thiên Việt, Tả Phụ, Hữu Bật, Văn Xương, Văn Khúc, mới có thể lấy sự trong sáng của cung “hình” để hóa giải.

Lúc có Kình Dương và Đà La giáp cung, Lộc Tồn tất sẽ đồng độ với Thiên Tướng. Nếu tam phương tứ chính của Thiên Tướng lại gặp các sao sát kị, hình, thì cũng có thể thành cách, nhưng tai họa mang đến thì không lớn như hai trường hợp trước.

Phàm cách cục “Tài ấm giáp ấn” thì cần phải xem sao nào Hóa Lộc; còn cách cục “Hình kị giáp ấn” thì cần phải xem sao nào Hóa Kỵ, mới có thể luận đoán tính chất cụ thể của việc ứng nghiệm cát hung.

Tổ hợp Thiên Tướng ở 12 cung có hai điều cần phải chú ý.

  • Một là luôn luôn bị Cự Môn và Thiên Lương giáp cung, có thể ảnh hưởng đến tính chất của Thiên Tướng, điểm này đã luận ở trên.
  • Hai là sẽ đối nhau với Phá Quân, cũng gây ra ảnh hưởng.
    • Nếu Phá Quân Hóa Lộc, Hóa Quyền, còn Thiên Tướng thì bị các sao hình kị giáp cung, sẽ chủ về gia nghiệp trôi dạt, nên rời khỏi quê hương để tìm hướng phát triển.
    • Nhưng nếu Phá Quân gặp các sao sát kị ở cung tam hợp, còn Thiên Tướng thì được các sao “tài ấm” giáp cung, sẽ chủ về nên ở lại quê hương giữ gìn gia nghiệp.

Trên cử hai tình huống cực đoan làm ví dụ, còn lại có thể từ đó mà suy ra.

Thiên Tướng phân bố ở 12 cung, sẽ đồng độ, hoặc sẽ đối nhau với ba sao Liêm Trinh, Vũ Khúc, Tử Vi, cho nên có quan hệ rất lớn với chúng. Nếu gặp lúc Thiên Tướng Hóa Lộc, Hóa Quyền, hay Hóa Khoa, có thể khiến cho cách cục của Thiên Tướng trở nên tốt đẹp. Đặc biệt là lúc có Tử Vi Hóa Khoa đồng độ, Thiên Lương Hóa Quyền đến giáp cung. Tuy có Kình Dương đồng độ với “Tử Vi Thiên Tướng”, nhưng Thiên Cơ Hóa Lộc đến giáp cung, hoặc Hóa Quyền và Hóa Lộc đến giáp cung Hóa Khoa của Tử Vi, vẫn là cục thanh danh hiển hách.

Nhưng nếu Liêm Trinh hoặc Vũ Khúc Hóa Kỵ, bất kể đồng độ hay vây chiếu Thiên Tướng, đều dễ khiến tính chất của Thiên Tướng biến thành xấu, đương số chỉ thích hợp dựa vào nghề chuyên môn mà mưu sinh.

Cổ nhân nói: “Tham Lang, Liêm trinh, Vũ Khúc, Phá Quân Kình Dương, Đà La mà tụ hội, nên dùng tay nghề khéo mà yên thân là lý luận này.

Kết cấu tinh hệ của nó như sau:

  • Thiên Tướng độc tọa ở hai cung Mão hoặc Dậu, đối cung là Liêm Trinh, Phá Quân, “Thiên Tướng, Liêm Trinh” đồng độ ở hai cung Tí hoặc Ngọ. Vì vậy ở bốn cung Tí, Ngọ, Mão, Dậu là tổ hợp “Liêm Trinh, Phá Quân, Thiên Tướng”.
  • Thiên Tướng độc tọa ở hai cung Sửu hoặc Mùi, đối cung là “Tử Vi Phá Quân”. Hoặc ngược lại “Thiên Tướng Tử Vi” sẽ đồng độ ở hai cung Thìn hoặc Tuất. Vì vậy ở bốn cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, là tổ hợp “Tử Vi, Phá Quân, Thiên Tướng.
  • Thiên Tướng độc tọa ở hai cung Tị hoặc Hợi, đối cung là “Vũ Khúc Phá Quân”; “Thiên Tướng, Vũ Khúc” đồng độ ở hai cung Dần hoặc Thân. Vì vậy ở bốn cung Dần, Thân, Tị, Hợi là tổ hợp “Vũ Khúc, Phá Quân, Thiên Tướng”.

Trong tình hình thông thường, lấy trường hợp Thiên Tướng độc tọa ở hai cung Tị hoặc Hợi là khá an định. Nó ưa Thiên Lương nhập miếu ở cung Tí đến giáp cung, lại được hội hợp với Thiên Phủ nhập miếu ở cung Sửu. Hoặc Thiên Lương nhập miếu ở cung Tí đêh giáp cung, lại được hội hợp với Thiên Phủ nhập miếu ở cung Mùi, cách cục khá quân bình.

Thiên Tướng không sợ sát tinh, chỉ kị Hỏa Tinh và Linh Tinh. Cổ nhân nói: “Thiên Tướng thủ mệnh, gặp Hỏa Tinh và Linh Tinh xung phá, chủ về tàn tật.” là nói điều này.

Cho nên bị “Hỏa Tham” xung phá, đối với người có Thiên Tướng thủ mệnh mà nói, càng làm mạnh thêm tính chất “sau khi phát đạt rất nhanh sẽ suy sụp, phú quý không thể lâu bền”.

Mệnh Thiên Tướng – Sao Thiên Tướng ở cung Mệnh

Sao Thiên Tướng ở cung mệnh chủ về đương số rất dễ bị hoàn cảnh xã hội gây ảnh hưởng. Phàm bối cảnh văn hóa xã hội khác nhau, dù kết cấu mệnh bàn tương đồng, thì sự tao ngộ của mệnh vận cũng khác nhau rất lớn.

Thiên Tướng ở cung mệnh hoặc cung thân, gặp Hóa Lộc và Thiên Lương giáp cung, là cách “Tài ấm giáp ấn”, chủ về phú quý vinh hoa, hưởng thụ vui vẻ. Thiên Tướng ở cung mệnh hoặc cung thân, gặp Hóa Kỵ và Kình Dương giáp cung, là cách “Hình kị giáp ấn”, chủ về có nạn lao ngục, kèm có hình hại, thương tổn.

Thiên Tướng thủ mệnh, không có chính diệu chủ về trí lực hội chiếu, lại gặp Hỏa Tinh, Linh Tinh xung phá, dễ bị tàn tật.

Nữ mệnh Thiên Tướng, kị hội hợp Văn Xương, Văn Khúc, chủ về tình cảm sóng gió.

Người xưa luận Thiên Tướng, thường nhấn mạnh quá đáng phương diện “tường hòa”. Thực chất, Thiên Tướng gặp thiện thì thành thiện, gặp ác thì thành ác. Ví dụ như “Tử Vi Thiên Tướng” đồng độ, nếu có “bách quan triều củng”, thì Thiên Tướng sẽ phát huy lực tương trợ. Nhưng nếu Tử Vi là ” tại dã cô quân”, thì Thiên Tướng cũng có thể giúp Trụ phò ác.

Trong 14 chính diệu của Đẩu Số, chỉ có Thiên Tướng là cực kỳ xem trọng việc giáp cung. Bị các sao như Kình Dương, Đà La giáp cung, Hỏa Tinh, Linh Tinh giáp cung, Địa Không, Địa Kiếp giáp cung… đều không phải cát tường. Phần nhiều chủ về thị phi, rối rắm, vất vả, bôn ba, đột nhiên xảy ra trắc trở.

Xấu nhât là “Hình kỵ giáp ấn”, tức Cự Môn Hóa Kỵ và Thiên Lương giáp cung, chủ về phạm pháp, hình phạt (theo Vương Đình Chi, người xưa lầm là “Hình tù giáp ấn”, nên cho là Kình Dương và Liêm Trinh giáp cung). Nếu Văn Xương, Văn Khúc, Tả Phụ, Hữu Bật, Thiên Khôi, Thiên Việt giáp cung; đều là điềm cát lợi. Rất ưa “Tài ấm giáp ấn”, tức là Cự Môn Hóa Lộc đến giáp cung.

Người xưa nhấn mạnh “Thiên Tướng có thể hóa giải cái ác của Liêm Trinh”. Ở đây không phải nói tổ hợp tinh hệ “Liêm Trinh, Thiên Tướng”. Thiên Tướng tọa mệnh, đến cung hạn Liêm Trinh tọa thủ, gặp sao cát thì cát, gặp sao hung thì giảm hung, cũng là điềm hóa giải cái ác.

Cục “Hình kỵ giáp ấn” rất ngại Thiên Lương đồng độ với Kình Dương, là cách “Hình kỵ giáp ấn” khá hung. Vì đồng thời sẽ bị Kình Dương và Đà La giáp cung. Lúc này Thiên Tướng tuy đồng độ với Lộc Tồn, không những chủ về tiền bạc phá tán, khó tụ, mà còn dễ vì tiền bạc mà sinh điều tiếng thị phi, kiện tụng.

Thiên Tướng đồng độ với Hỏa Tinh, Linh Tinh, lại gặp Kình Dương, Đà La giáp cung, hoặc “Hình kị giáp ấn”, chủ về lúc nhỏ bất lợi về cha mẹ, hoặc làm con nuôi của người khác. Nếu cung phúc đức là Thất Sát lại hội các sao sát, hình, kị, hao, thì chủ về tàn tật.

Hễ Thiên Tướng tọa mệnh, nên xem kèm cát hung của cung phụ mẫu. Vì Thiên Tướng cần được người phù trợ, cung phụ mẫu là cấp trên phù trợ. Lúc này cung phụ mẫu ắt là Thiên Lương, tối kị Thiên Lương đồng độ với Lộc Tồn, lại có Hỏa Tinh, Linh Tinh đồng cung, chủ về suốt đời không có hậu trường để nương dựa, mà bản thân lại khó tự sáng lập sự nghiệp. Có tài mà không gặp thời, thường thường là cách cục này.

Thiên Tướng gặp Văn Xương, Văn Khúc, thì không được gặp Hóa Kị và Kình Dương, Đà La mới cát. Nếu không, thì thông minh nhưng mệnh bạc, cũng là điềm có tài mà không gặp thời. Cổ nhân cho rằng, nếu là nữ mệnh là mạng tì thiếp, cũng có ý vị thông minh mà mệnh bạc.

Cổ nhân cho rằng “Thiên Tướng, Tham Lang, Liêm Trinh, Vũ Khúc, Phá Quân Kình Dương, Đà La mà gặp nhau thì chủ về nhờ tay nghề khéo mà yên thân”.

Cổ quyết này trọng điểm là ở Liêm Trinh. Liêm Trinh gặp Thiên Tướng chủ về thông minh mẫn tiệp, lại có ý vị phục vụ. Cho nên gặp cát tinh thì thích hợp làm việc trong chính giới. Nếu gặp Kình Dương, Đà La thì không nên làm việc trong chính giới, mà thích hợp làm việc hưởng lương, có thể theo ngành nghề công nghệ, khoa học kĩ thuật. Chỉ trường hợp Thiên Tướng ở hai cung Mão hoặc Dậu mới có cách cục này.

Thiên Tướng ở cung mệnh của lưu niên, cũng mẫn cảm đối với các sao cát, hung. Vì vậy không nên gặp các lưu diệu như Tang Môn, Điếu Khách, Bạch Hổ, Đại Hao, Quan Phủ, Quan Phù. Ưa gặp các sao cát như Thanh Long, Tấu Thư, Long Đức, Thiên Đức.

“Thiên Tướng Vũ Khúc” đồng độ ở hai cung Dần hoặc Thân, xin tham khảo đoạn “Vũ Khúc, Thiên Tướng” thuật ở trước.

Thiên Tướng độc tọa ở hai cung Sửu hoặc Mùi, rất ưa có Tả Phụ, Hữu Bật đồng độ. Nếu cung kế cận là Thiên Đồng Hóa Kỵ, tuy không thành cách “Hình kỵ giáp ấn”, nhưng cũng không tốt, chủ về tuy có hậu trường để dựa dẫm, nhưng thường thường vào lúc quan trọng thì lại không được trợ lực, cũng là điềm tượng có tài mà không gặp thời. Lúc này nếu có Tả Phụ, Hữu Bật đồng độ, sẽ chủ về tuy không được bề trên nâng đỡ, trợ lực, nhưng lại được bạn bè chi viện. Thiên Tướng cũng ưa “bách quan triều củng”, đây là ý tể tướng chỉ dưới một người mà trên vạn người. Nhưng rốt cuộc thì bị cấp trên gây trắc trở.

Thiên Tướng ở hai cung Sửu hoặc Mùi, có “Tử Vi Phá Quân” vây chiếu, cho nên cũng chủ về nặng thành kiến, chủ quan. Nếu có Hỏa Tinh, Linh Tinh đồng độ, thường vì thành kiến chủ quan mà chuốc lấy thất bại.

Thiên Tướng độc tọa hai cung Mão hoặc Dậu, gặp các sao sát, kị thì chỉ nên theo ngành công nghệ hay kĩ thuật để mưu sinh. Được cát hóa và có sao cát, chủ về dùng kĩ năng chuyên môn để khởi nghiệp.

Thiên Tướng độc tọa hai cung Mão hoặc Dậu, ưa gặp các sao tài nghệ, như Thiên Tài, Long Trì, Phượng Các, gặp Tấu Thư cũng cát. Nếu đồng thời lại gặp sát tinh và Văn Xương, Văn Khúc Hóa Kị, thì đây là thanh khách của nhà giàu thời cổ đại.

Trong các tình huống thông thường, Thiên Tướng độc tọa hai cung Mão hoặc Dậu thì nên gặp sao lộc, thì tài cao nghề giỏi, có thể lập thân, trở nên giàu có. Nhưng cuối cùng dễ bị người ta gây trắc trở hoặc điều khiển.

Thiên Tướng độc tọa hai cung Tị hoặc Hợi, đối cung là “Vũ Khúc Phá Quân” cần phải gặp sao lộc hoặc Hóa Lộc, mới cát lợi, nếu không thì bất ổn, tiêu cực, rất ưa Vũ Khúc Hóa Lộc vây chiếu.

Thiên Tướng ở cung Hợi, nếu đối cung là Vũ Khúc Hóa Kỵ, thì Thiên Tướng ắt sẽ bị Kình Dương và Đà La giáp cung. Trong các tình huống thông thường, Thiên Tướng không sợ Kình Dương, Đà La giáp cung. Nhưng trong tình hình này thì đại bất lợi, phần nhiều chủ về việc sắp thành lại hỏng, tài lực không đủ để chi lúc khẩn cấp.

Nữ mệnh Thiên Tướng độc tọa, chủ về nên lấy chồng lớn tuổi, nếu không, nhỏ hơn một hai tuổi cũng thích hợp.

Nữ mệnh Thiên Tướng, cũng là “phu xướng phụ tùy”, nên giúp chồng sáng lập sự nghiệp.

Hễ Thiên Tướng độc tọa, các cung hạn có Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Hóa Kị là những đại vận hoặc lưu niên có tính then chốt. Đến các cung hạn bị “Hình kị giáp ấn”, Kình Dương, Đà La giáp cung, Hỏa Tinh, Linh Tinh giáp cung, Địa Không, Địa Kiếp giáp cung, Thiên Thương, Thiên Sứ giáp cung hoặc Văn Xương, Văn Khúc giáp cung, Thiên Khôi, Thiên Việt giáp cung hay các cung hạn có Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa bị ác hóa, ứng nghiệm cát hung đều rất mẫn cảm.

Thiên Tướng biệt luận

Thiên Tướng và Thiên Phủ là “Sao Đôi” trong Đẩu Số

Nói như vậy tức là hai sao có liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau cực kỳ mật thiết. Cổ nhân nói “Phủ phùng khán Tướng” (gặp Thiên Phủ thì phải xem Thiên Tướng), tức khi luận đoán Thiên Phủ thì cần phải đồng thời xem xét ảnh hưởng của Thiên Tướng đối với nó. Lúc quan sát cát hung của Thiên Tướng, đương nhiên cũng phải đồng thời nghiên cứu Thiên Phủ.

Thiên Phủ là “khố tinh”, Thiên Tướng là “ấn tinh”, “phủ” mà không có “ấn” thì không thể vận dụng tài phú trong “kho”, “ấn” mà không có “tài phú” là không có thực quyền, cho nên cần phải xem kèm hai sao, sau đó mới có được cái nhìn tổng thể về tài phú và quyền lực.

Thiên Phủ không có hãm địa, cho nên không có cung độ nào là quá xấu khi tọa thủ. Nhưng Thiên Tướng thì lạc hãm ở hai cung Mão hoặc Dậu. Do đó hễ Thiên Tướng ở hai cung Mão hoặc Dậu tương hội với Thiên Phủ, thì sức mạnh của nó cũng giảm bớt.

Tổ hợp tinh hệ của Thiên Tướng có thể chia làm sáu nhóm, như sau:

  • Ở hai cung Tí hoặc Ngọ, Thiên Tướng đồng độ với Liêm Trinh.
  • Ở hai cung Sửu hoặc Mùi, Thiên Tướng độc tọa, có “Tử Vi, Phá Quân” đối chiếu.
  • Ở hai cung Dần hoặc Thân, Thiên Tướng đồng độ với Vũ Khúc.
  • Ở hai cung Mão hoặc Dậu, Thiên Tưóng độc tọa, có “Liêm Trinh Phá Quân” đối chiếu.
  • Ở hai cung Thìn hoặc Tuất, Thiên Tướng đồng độ với Tử Vi.
  • Ở hai cung Tị hoặc Hợi, Thiên Tướng độc tọa, có “Vũ Khúc Phá Quân” đối chiếu.

Từ các tổ hợp trên có thể biết, các chính diệu có quan hệ đặc biệt với Thiên Tưóng là Tử Vi, Liêm Trinh, Phá Quân và Vũ Khúc.

“Tử Vi Thiên Tướng” đồng cung không bằng đối chiếu. Bởi vì lúc đồng cung sẽ rơi vào hai cung “Thiên La Địa Võng” Thìn hoặc Tuất, sẽ khiến đương số khó phát dương quang đại. Lúc đối nhau thì nhờ lực xung kích của “Tử Vi Phá Quân” nên có thể “kích phát” sức mạnh của Thiên Tướng.

“Thiên Tướng Vũ Khúc” đồng cung cũng không bằng đối chiếu. Bởi vì lúc đồng cung, tuy Thiên Tướng có thể giảm nhẹ tính
chất “hình khắc” của Vũ Khúc, nhưng đồng thời cũng giảm bớt sức mạnh của bản thân nó, không bằng đối chiếu với “Vũ Khúc Phá Quân”, sẽ lợi dụng được lực xung kích của tinh hệ này.

Thiên Tướng đồng cung với Liêm Trinh là thích hợp, lúc đồng cung, Thiên Tướng có thể hóa giải tính chất xấu của Liêm Trinh. Nếu Thiên Tướng ở hai cung Mão hoặc Dậu đối nhau với “Liêm Trinh Phá Quân”, lực hóa giải hơi kém, vận trình có thể nhiều sóng gió, trắc trở.

Bí mật “Phủ phùng khán Tướng” – Gặp Thiên Phủ, xem ngay Thiên Tướng

Trong Đẩu Số, Thiên Tướng là sao khó luận đoán. Cổ thư thường cho rằng Thiên Tướng có lòng chính nghĩa, thích phục vụ người khác, gặp chuyện bất bình thì ra tay tương trợ. Thiên Tướng ở trong mệnh bàn không sợ ác tính và sát tinh xâm phạm, thậm chí còn đánh giá Thiên Tướng ở trong 12 cung đều may mắn tốt lành. Nhưng trên thực tế, luận đoán Thiên Tướng không phải đơn giản như vậy.

Nói một cách nghiêm túc, Thiên Tướng là sao có tính cách không rõ ràng, nó rất dễ uốn nắn. Gặp phải các cát tinh phân bố ở “tam phương tứ chính” thì Thiên Tướng sẽ phát triển theo khuynh hướng tốt đó. Nếu gặp phải các sao xấu phân bố ở “tam phương tứ chính” thì Thiên Tướng cũng sẽ phát triển theo khuynh hướng xấu này.

Cổ nhân nói “Phủ phùng khán Tướng” (gặp Thiên Phủ thì phải xem Thiên Tướng), “phùng Tướng khán Phủ” (gặp Thiên Tướng thì phải xem Thiên Phủ)”. Tức là khi nghiên cứu cát hung của Thiên Tướng trong tinh bàn phải xem kèm Thiên Phủ. Đây là vì hai sao Thiên Phủ, Thiên Tướng luôn luôn tương hội ở tam phương, cho nên mới có phương thức quan sát toàn diện này.

Ví dụ, Thiên Tướng thủ mệnh ở cung Mùi, hội hợp với Thiên Phủ ở cung Mão (tức là cung tài bạch), đối cung là “Tử Vi Phá Quân”. Nếu như Thiên Phủ ở cung Mão gặp phải tứ sát Hỏa Tinh, Linh Tinh, Kình Dương, Đà La. Hoặc gặp các sao hình, kị, ác sát, dù các sao ác này chủ yếu chiếu xạ từ cung Dậu sang cung Mão, vốn không có liên quan đến Thiên Tướng của cung Mùi. Nhưng do tính chất của Thiên Phủ đã biến thành xấu nên cũng sẽ ảnh hưởng đến Thiên Tướng, biến nó thành xấu, thành người tham lam ti tiện, không có chủ kiên, mà còn hay có phản ứng sai lầm, tiến thoái không hợp thời cơ.

Nếu không hiểu rõ điểm này, lúc bản thân Thiên Tướng không gặp ác sát, mà cứ ùn ùn cho rằng cách cục rất tốt, thì rất dễ phạm sai lầm.

Phương pháp luận đoán này là một bí mật nhỏ của phái Trung Châu Vương Đình Chi. Cổ nhân không thích thuyết minh tỉ mỉ các bí quyết, hay giấu lại một chút, nên dùng lời lẽ ngắn gọn, kín đáo. Chỉ nói ” Phủ phùng khán Tướng”, rồi nói “phùng Tướng khán Phủ”, mà không chịu nói thẳng ra. Người đời sau nếu chịu nghiên cứu, đương nhiên hiểu được bí quyết, còn người không chịu nghiên cứu thì đành mơ hồ.

Mân phái biết bí mật này, nhưng lại chỉ dùng Thiên Tướng miếu hay hãm để xem xét ảnh hưởng của nó đối với Thiên Phủ. Còn câu ” Phủ phùng khán Tướng ” thì hoàn toàn không giải thích.

Sao Thiên Tướng ở Cung Phúc Đức

Thiên Tướng thủ Cung Phúc Đức, nhập miếu, là người chính trực, rộng rãi, có tinh thần chính nghĩa, giàu lòng cảm thông. Nếu lạc hãm, thì dễ rơi vào chủ nghĩa lý tưởng, lúc hiện thực không như lý tưởng thì lòng không yên, dễ kích động. Do đó thường xảy ra thị phi phiền phức.

Cho nên, Thiên Tướng tọa thủ Cung Phúc Đức, rất kỵ có Vũ Khúc hay Phá Quân vây chiếu. Chủ về dễ kích động, hoặc bôn ba vất vả để cầu đạt tới lý tưởng. Nếu có thêm Địa Không, Địa Kiếp đồng cung, thì lý tưởng lại rơi vào không tưởng. Lâu ngày dễ biến thành nằm mơ giữa ban ngày, nhiều không tưởng mà ít có hành động thực tế.

Thiên Tướng rất ưa được Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa (đặc biệt là có Thiên Phủ Hóa Khoa hội chiếu), lại được các sao phụ,
tá cát hội chiếu. Thì chủ về có thể đối diện với hiện thực, có hành động thiết thực, tính cách khoan dung, đôn hậu, thẳng thắn, chân thành, có đời sống tinh thần sung mãn.

Nếu Thiên Tướng thủ Cung Phúc Đức mà gặp sát tinh hội hợp, vẫn không đủ vững vàng thiết thực, khiến không đạt được mục tiêu của lý tưởng.

Sao Thiên Tướng ở Cung Quan Lộc

Thiên Tướng thủ Cung Quan Lộc, ưa hội chiếu với Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Lộc Tồn, và các sao phụ tá. Chủ về là nhân vật trọng yếu trong chính giới, hay nhân vật lớn trong giới công thương nghiệp.

Thiên Tướng có Tử Vi hội chiếu, nên lập thân trong chính giới.

Thiên Tướng có các sao cát hội chiếu, mà không có sát tinh. Chủ về lập thân trong chính giới cũng tốt, nhưng không nên mưu tính giành vị trí tối cao. Nếu không sẽ thành bia cho người ta nhắm, lúc đến niên hạn có vận trình không tốt sẽ dễ ngã ngựa.

Thiên Tướng có Vũ Khúc hoặc Liêm Trinh đồng độ, thích hợp gia nhập quân đội hay cảnh sát, hải quan, cũng có thể theo ngành công nghiệp.

Thiên Tướng nếu có “Vũ Khúc, Phá Ouân” vây chiếu. Chủ về sự nghiệp lên xuống vô thường, không thích hợp làm việc trong chính giới, có thể dựa vào nghề chuyên môn để phát triển. Gặp Long Trì, Phượng Các, Thiên Tài thì càng có lợi.

Thiên Tướng có tứ sát tinh hội chiếu, chủ về sự nghiệp gặp nhiều tình huống rối bời, dù đang ở trong thuận cảnh cũng có lúc lúc bị trở ngại. Nếu gặp thêm các sao hình, kỵ, hao, chủ về làm việc trong chính giới sẽ có nguy cơ bị bãi chức. Trong thương trường thì bị phá tán, thất bại, hoặc thậm chí ngừng kinh doanh, vỡ nợ, sập tiệm.

Sao Thiên Tướng ở Cung Tài Bạch

Thiên Tướng ở Cung Tài Bạch ắt có Thiên Phủ hội chiếu. “Ấn tinh” và “kho tiền” tương hội, nếu được các cát tinh Lộc Tồn, Hóa Lộc hội chiếu, đương nhiên sẽ chủ về tiền của dồi dào. Dù ở hãm địa, cũng chủ về tay trắng làm nên.

Nếu Thiên Tướng đồng độ với Liêm Trinh, có thể kinh doanh buôn bán, chủ về dễ gặp thời cơ. Nếu đồng độ với Vũ Khúc, thì nên sự nghiệp nhờ nghề chuyên môn.

Thiên Tướng có Tử Vi hội chiếu, cuộc đời ắt gặp cơ hội phát đạt một cách đột ngột.

Thiên Tướng có Vũ Khúc, Phá Quân vây chiếu, chủ về được mất bất thường. Hoặc chủ về phá hết tổ nghiệp rồi mới tự kiếm tiền.

Vũ Khúc có Phá Quân vây chiếu, lại gặp thêm Địa Không, Địa Kiếp, Đại Hao. Thì không có tiền của bền vững, hoặc thậm chí chi tiêu quá mức. Nếu có thêm sát tinh, Thiên Hình hội hợp, thì vì tiền mà xảy ra tranh chấp. Sát tinh nặng mà còn gặp Hóa Kỵ thì có thể dẫn đến thất bại, hoặc tai họa lao ngục. Nếu không có cát tinh giải cứu, thậm chí có thể nguy đến tính mạng.

Vũ Khúc có Phá Quân vây chiếu mà gặp các sát tinh, hình, kỵ, mới chủ về lúc được lúc mất, khó tích tụ.

Sao Thiên Tướng ở Cung Thiên Di

Sao Thiên Tướng thủ Cung Thiên Di, rất thích các sao cát tinh như Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Lộc Tồn, Tả Phụ, Hữu Bật, Thiên Khôi, Thiên Việt, Thiên Mã hội chiếu. Chủ về ở nơi xa gặp cơ hội bất ngờ, vừa được quý nhân đề bạt, bạn bè trợ lực, còn được người ở nơi đó tôn trọng và ủng hộ. Có thể trở nên giàu có, hoặc phát phúc.

  • Thiên Tướng có Tử Vi đồng độ, càng chủ về có địa vị cao, được người ngưỡng mộ.
  • Thiên Tướng có Vũ Khúc đồng độ, chủ về ở nước ngoài được nguồn tiền tài bất ngờ.
  • Thiên Tướng có Vũ Khúc và Phá Quân vây chiếu. Chủ về ít duyên với người dẫn đến thành bại bất nhất. Nên nhẫn nại sáng lập sự nghiệp hay giữ nghề.

Thiên Tướng không nên có Địa Không, Địa Kiếp, Đại Hao, Kiếp Sát hội chiếu. Nếu không sẽ chủ về gặp nhiều sóng gió, trắc trở ở nơi xa. Nếu có Kình Dương, Đà La, Hỏa Tinh, Linh Tinh, Thiên Hình hội chiếu, thì chủ về ở nơi xa dễ bị họa, bị tiểu nhân hãm hại. Có sao cát tinh hóa giải, cũng chủ về ít duyên với người.

Sao Thiên Tướng ở Cung Điền Trạch

Thiên Tướng thủ Cung Điền Trạch, gặp Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Lộc Tồn hội chiếu, chủ về có nhiều điền sản.

Thiên Tướng có Địa Không, Địa Kiếp, Đại Hao hội chiếu, chủ về điền sản bị phá sạch.

Vũ Khúc có Phá Quân ở đối cung vây chiếu. Chủ về có đất đai nhà cửa của ông bà cha mẹ để lại nhưng dần dần làm tiêu tán. Nếu Vũ Khúc lại Hóa Kỵ, thì chủ về gia trạch không yên, nhiều tranh chấp, điều tiếng thị phi, hoặc nhiều bệnh.

Thiên Tướng không ưa có Đà La và Thiên Mã đồng cung. Chủ về thường hay chuyển dời, nhưng cuộc đời không có nhà ở vừa ý, dù ở nhà lớn đẹp đẽ, cũng có chỗ không hài lòng.

Nếu có Kình Dương, Đà La, Hỏa Tinh, Linh Tinh hội hợp, thì chủ về gia nghiệp điêu linh. Hoặc vì tài sản mà kiện tụng.

Sao Thiên Tướng ở Cung Phu Thê

Cung Phu Thê có Sao Thiên Tướng, sẽ chủ về người phối ngẫu là do yêu nhau mà kết hôn, chứ không do gia đình sắp đặt. Hoặc chủ về gần nhau ít mà xa nhau nhiều.

Nam mệnh hay nữ mệnh đều chủ về thân càng thêm thân, hoặc tình cũ trở lại, hoặc quen biết cũ gặp lại rồi yêu nhau.

Nữ mệnh nên lấy người lớn tuổi. Gặp cát tinh, chủ về được chồng quan tâm, chăm sóc, xử sự dịu dàng.

Có Tử Vi đồng độ, chủ về có vợ chí cao, nên kết hôn muộn.

Thiên Tướng gặp Vũ Khúc, Phá Quân, chủ về có nạn tai, điều tiếng, là mệnh hai lần kết hôn. Nếu đã từng hủy hôn ước thì có thể miễn.

Thiên Tướng gặp Hóa Lộc và có Lộc Tồn đồng cung, chủ về vợ có tiền.

Thiên Tướng độc tọa ở hai cung Sửu hoặc Mùi, chủ về được giúp đỡ ở nhà. Nam mệnh hơi bị tình trạng vợ đoạt quyền chồng. Nếu cung mệnh có Vũ Khúc Hóa Kỵ, chủ về chia li. Nữ mệnh thì đẹp đôi với người lớn tuổi.

Thiên Tướng độc tọa ở hai cung Mão hoặc Dậu, chủ về kết hôn muộn, vợ chồng không cùng xu hướng, sở thích. Vợ thì chủ về hiền thục nhưng tính cương cường, chồng thì chủ về hướng nội. Không có sát tính thì có thể sống với nhau đến bạc đầu.

Thiên Tướng độc tọa ở hai cưng Tị hoặc Hợi, nam mệnh thì chủ về có vợ đỡ đần việc nhà, thuận theo ý chồng. Nữ mệnh thì chồng không mấy tốt, mệnh đào hoa, thường nhìn ngó bên ngoài.

Sao Thiên Tướng ở Cung Tử Tức

Thiên Tướng ở Cung Tử Tức, gặp Vũ Khúc, Phá Quân vây chiếu, chủ về “hình khắc”, nên chậm có con, con đầu dễ sinh non, sinh thiếu tháng, hoặc bị tổn thương. Sinh con gái trước là tốt, nếu không vợ lẽ hay vợ hai sinh con trai.

Thiên Tướng hội tứ sát, còn gặp Tả Phụ, Hữu Bật, chủ về ba đứa con đầu dễ bị mất, vợ lẽ hay vợ hai sinh con trai thì đỡ hơn, nhưng con đầu vẫn dễ bị sinh non.

Thiên Tướng gặp tam cát hóa Quyền Lộc Khoa, có Thiên Khôi, Thiên Việt, Tả Phụ, Hữu Bật, Thiên Phủ hội chiếu, chủ về có năm con trở lên, con cái nhân từ hiếu thuận.

Thiên Tướng rất sợ gặp sát tinh, chủ về xin con nuôi, hoặc có con dòng thứ, có con rể trước.

Sao Thiên Tướng ở Cung Phụ Mẫu

Thiên Tướng thủ Cung Phụ Mẫu, nếu gặp “Tài Ấm Giáp Ấn” thì chủ về cha mẹ giàu sang sống thọ. Nếu gặp “Hình Kỵ Giáp Ấn” thì chủ về cha mẹ bị hình khắc, bệnh tật.

Trong các tình hình thông thường, Thiên Tướng nhập miếu thủ Cung Phụ Mẫu. Chủ về không có hình khắc. Nếu lạc hãm, gặp cát tinh thì không có khắc. Gặp các ác diệu sát thì có hình thương, nạn tai bệnh tật.

Thiên Tướng rất kỵ Vũ Khúc đồng độ. Chủ về có “hình thương khắc hại”. Vũ Khúc Hóa Kỵ thì càng nặng. Nếu Vũ Khúc Hóa Kỵ. Chủ về cha mẹ bị nạn tai, bệnh tật. Nếu các sao Sát, Hình nặng thì mắc bệnh nan y.

“Thiên Tướng Liêm Trinh” đồng độ, cũng chủ về có “hình thương”, nạn tai bệnh tật. Thiên Tướng Hóa Kỵ thì tình cảm giữa hai đời bị đổ vỡ, hoặc cha mẹ bị bệnh nặng. Thiên Tướng và Liêm Trinh hội hợp với Tứ Sát tinh thì lúc nhỏ có khắc. Nếu gặp các sao Hình, Kỵ nặng thì chủ về rời xa cha mẹ hoặc làm con nuôi người khác.

Thiên Tướng có Thiên Khôi, Thiên Việt, Tả Phù, Hữu Bật, Giải Thần, Thiên Đức, Thiên Vu, Thiên Thọ hội hợp. Dù gặp các sao Sát, Kỵ cũng chủ về được giải cứu.

Sao Thiên Tướng ở Cung Huynh Đệ

Thiên Tướng nhập miếu có Tả Phù, Hữu Bật hội chiếu thì năm người trở lên. Có Tử Vi đồng độ thì ba người trở lên, mà anh em hay tranh hơn thua.

Thiên Tướng có Vũ Khúc hoặc Liêm Trinh đồng độ thì anh chị em hai người, nhưng ý kiến không hợp.

Thiên Tướng gặp Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa và Lộc Tồn thì anh em phát đạt, có tiền có thế.

Thiên Tướng có Vũ Khúc và Phá Quân vây chiếu, gặp Tả Phù, Hữu Bật thì anh em tuy nhiều nhưng có hình thương, hoặc có anh em khác mẹ, và có em nhỏ hơn rất nhiều tuổi, khoảng 8 tuổi hoặc 12 tuổi trở lên.

Sao Thiên Tướng ở Cung Tật Ách

Thiên Tướng ở Cung Tật Ách. Chủ về bệnh ở bàng quang, niệu đạo, có lúc cũng chủ về bệnh ở túi mật. Cũng chủ về các bệnh do thận thủy mất điều hòa gây ra, như tiểu đường, sỏi thận, sỏi bàng quang. Cũng chủ về các bệnh ngoài da, như dị ứng da, bệnh sởi (thấp chẩn), bệnh nấm ngoài da.

Nếu gặp Hồng Loan, Thiên Hỷ, Hàm Trì, Thiên Riêu. Thì chủ về nước tiểu đục (gonorrhoea), bệnh lậu, giang mai. Gặp sát tinh, thì chủ về bệnh tình dục khó trị.

Thiên Tướng ở Cung Tật Ách có Kình Dương, Đà La, Thiên Hình hội chiếu. Chủ về phong thấp, đau xương, tim suy nhược, tay chân bại liệt, mất cảm giác.

Thiên Tướng có Hỏa Tinh, Linh Tinh, Thiên Nguyệt hội chiếu. Chủ về cảm mạo, sốt rét, cũng chủ về bệnh nấm ngoài da.

Thiên Tướng ở Cung Tật Ách, đối cung có “Tử Vi Phá Quân” vây chiếu. Nhưng Phá Quân không Hóa Lộc, cũng không được Lộc Tồn đồng độ, là tiên thiên bất túc. Nếu vận trung niên, vãn niên mà gặp tinh hệ này thì chủ về hậu thiên hao tổn.

Sao Thiên Tướng ở Cung Nô Bộc

Thiên Tướng thủ Cung Nô Bộc, trong các tình hình thông thường có thể xem là sao tốt nhất, vì Thiên Tướng có lòng chính nghĩa, còn giàu nhiệt tâm, cho nên giao du với họ có thể giúp đương số làm cho gia vận hưng thịnh, là bạn bè chân chính. Có thể ra sức vì đương số, đồng thời cũng chủ về được người dưới quyền ủng hộ, trung thành, có thể trông cậy. Nếu gặp Tả Phù, Hữu Bật, cũng chủ về bản thân giao du rộng, hoặc có nhiều người dưới quyền.

Nếu gặp Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Lộc Tồn hội chiếu chủ về bạn bè và người dưới quyền có thể trợ giúp đương số rất nhiều. Gặp thêm Tử Vi hội chiếu, thì chủ về có bạn bè tốt, có người dưới quyền giỏi giang, trung thành và ngay thắng. Gặp Thiên Phủ kèm sao cát hội chiếu. Chủ về bạn bè hoặc người dưới quyền chất phác, có trợ lực, lúc đương số bị khốn khó họ có thể ra tay giúp đỡ.

Thiên Tướng không nên đồng độ hoặc hội chiếu với Vũ Khúc. Chủ về có bạn bất tín bất nghĩa, cũng chủ về có người dưới quyền phản bội.

Thiên Tướng có Liêm Trinh hội chiếu hoặc đồng độ, gặp các sao Sát, Hình, Kỵthì dễ giao du với bạn xấu, hoặc bị người dưới quyền thân tín làm liên lụy, gây tổn hại.

Thiên Tướng có Vũ Khúc và Phá Quân đồng thời vây chiếu. Chủ về làm ơn mắc oán.

Thiên Tướng có Địa Không, Địa Kiếp, Đại Hao hội chiếu. Chủ về giao du rộng nhưng không có tri kỉ, người dưới quyền tuy nhiều nhưng không đắc lực. Nếu lại gặp thêm các sao Sát, Hình. Thì chủ về bản thân đương số chịu lỗi thay cho người.

Thiên Tướng nếu có nhiều ác diệu, Sát, Hình, Kỵ, Hao đến hội chiếu, thì bạn bè hoặc người dưới quyền phần nhiều đều bất lương. Hoặc vì bạn bè hay người dưới quyền mà bản thân đương số tổn hao rất nhiều.

Thay lời kết

Sao Thiên Tướng cũng không quá phức tạp, mọi người chỉ cần lưu ý nếu hội hợp được nhiều cát tinh thì Thiên Tướng hành thiện, ngược lại hội nhiều hung sát tinh thì lại theo con đường xã hội. Ngoài ra cần đặc biệt chú ý quan sát Thiên Phủ khi phân tích Thiên Tướng, mọi người hãy chiêm nghiệm lại 1 lần nữa ví dụ sau:

Thiên Tướng thủ mệnh ở cung Mùi, hội hợp với Thiên Phủ ở cung Mão (tức là cung tài bạch), đối cung là “Tử Vi Phá Quân”. Nếu như Thiên Phủ ở cung Mão gặp phải tứ sát Hỏa Tinh, Linh Tinh, Kình Dương, Đà La. Hoặc gặp các sao hình, kị, ác sát, dù các sao ác này chủ yếu chiếu xạ từ cung Dậu sang cung Mão, vốn không có liên quan đến Thiên Tướng của cung Mùi. Nhưng do tính chất của Thiên Phủ đã biến thành xấu nên cũng sẽ ảnh hưởng đến Thiên Tướng, biến nó thành xấu, thành người tham lam ti tiện, không có chủ kiên, mà còn hay có phản ứng sai lầm, tiến thoái không hợp thời cơ.

Trả lời