Tử Vi Phương Đông ngoại truyện là loạt bài viết về hình tượng các nhân vật được môn Tử Vi Đẩu Số sử dụng để gắn với hệ thống sao của mình.
Bài viết tuy mang tính chất giải trí nhưng cũng hàm chứa rất nhiều giá trị học thuật này được biên soạn bởi thầy Quách Ngọc Bội, mời mọi người cùng tham khảo. Lưu ý dưới hình tượng của sao đều có phần hỏi đáp của mọi người với thầy Bội, mình cũng xin đăng nguyên văn để nhà mình tham khảo nha.
(Ngoài nghiên cứu về Tử Vi, Huyền Học, thầy Bội có phát triển thêm mảng vé máy bay, dịch vụ visa…mọi người có nhu cầu về mảng này, xin vui lòng vào đây nha: bacdautravel.com)
Mục lục bài viết
Tử Vi Phương Đông và hình tượng các sao trong Tử Vi Đẩu Số
Tử Vi Phương Đông bao gồm hơn một trăm sao có kết cấu khá chặt chẽ với nhau và thường được phân chia theo từng bộ nhóm. Đặc biệt tương ứng với mỗi sao đều tương ứng có một hình tượng nhân vật cụ thể trong xã hội. Hình tượng ở đây có thể chỉ là dáng vẻ, tính cách, hay đơn thuần chỉ là bước ngoặt cuộc đời của họ mà áp vào cho tương ứng với tính chất chư tinh…
Ngoài yếu tố giải trí thì việc đưa hình tượng nhân vật gắn liền với chư tinh sẽ giúp cho bạn thêm hiểu về lý tính của từng sao trong bộ môn học thuật thú vị này…
Tử Lộ – Trọng Do- Hình Tượng Sao Thất Sát
Tử Lộ là tên chữ của Trọng Do, ngoài ra Trọng Do còn có ngoại hiệu là Quý Lộ, người ở ấp Biện, thuộc nước Lỗ thời Xuân Thu, là một trong 72 học trò giỏi của Khổng Tử, cũng là một trong 24 người con hiếu thảo (Nhị thập tứ hiếu).
Tử Lộ tính tình cương trực, nóng nảy, xem trọng sức khỏe và dũng khí, nhưng lại cũng rất rộng lượng và là người con hiếu thảo. Ông vốn đi theo Khổng Tử từ rất sớm, và là người hiếm hoi dám thẳng thắn góp ý phê bình hoặc can ngăn Khổng Tử (đi gặp Nam Sơn, đi theo Quy Sơn Phất Liễu).
Theo mục Tạp Sự của cuốn Tử Lộ Tập Ngữ thì có kể chuyện Tử Lộ và Khổng Tử có lần đi đến bờ suối bên núi thì gặp 1 con hổ, Tử Lộ liền xông tới đánh chết hổ và cắt phăng lấy cái đuôi rồi hỏi thầy:
Theo thầy thì dũng sĩ thượng đẳng phải đánh hổ thế nào?
Khổng Tử đáp:
Dũng sĩ thượng hạng túm đầu hổ.
Tử Lộ lại hỏi:
Theo thầy thì dũng sĩ hạ đẳng sẽ đánh hổ thế nào?
Khổng Tử đáp:
Dũng sĩ hạ đẳng nắm lấy cái đuôi hổ.
Tử Lộ biết thầy ám chỉ mình, ấm ức lắm nên lại vặn vẹo:
Theo thầy thì người quân tử có cần coi trọng chữ “Dũng” hay không?
Khổng Tử trả lời rằng: Quân tử thì cần coi trọng nhất là Nghĩa với Lý. Quân tử chỉ có Dũng mà không có Nghĩa, Lý ắt sẽ sinh biến loạn, tiểu nhân chỉ có Dũng mà không có Nghĩa, Lý ắt sẽ thành trộm cướp.
Tử Lộ được thầy khai sáng về những khiếm khuyết của mình để tu sửa, cho nên hết sức cảm phục.
Trong môn Tử Vi Đẩu Số, bài phú về Hình Tính có ví sao Thất Sát bằng cách dùng hình tượng của Tử Lộ:
Thất Sát như Tử Lộ bạo hổ phùng hà,
Hỏa Linh tự Dự Nhượng thôn thán trang ách.
Bạo hổ phùng hà hề mục thái hung ngoan,
Thôn thán trang ách hề ám lang thanh trầm.
Nghĩa là:
Thất Sát uy mãnh làm sao
Hổ dữ thét gào khi gặp khúc sông
Lấy tướng Tử Lộ mà trông
Mắt to, thần dữ chứ không hiền hòa
Hỏa Linh như quỷ dạ xoa
Dự Nhượng rạch mặt thù nhà chẳng quên
Thâm trầm tựa sói trong đêm
Nóng mà chẳng vội chí bền sức dai.
Người mà Mệnh chịu ảnh hưởng của Thất Sát thì đặc trưng cũng thường có những tính chất tương tự như Tử Lộ vậy, mắt to (ngày nay thấy nam hay nữ giới mà mắt to đều khá đẹp trai và xinh gái) và tính tình cũng nóng nảy.
Bên cạnh đó, một đặc điểm mà khá nhiều người chơi Tử Vi ít khi để ý hay hiếm có sách nào nói đến, đó là người Thất Sát rất hiếu thảo hoặc chịu nhiều ảnh hưởng gắn kết với người mẹ, giống như hình tượng ông Trọng Do từng cõng gạo nuôi mẹ vậy. Về bố cục của tinh đẩu thì do sao Thất Sát luôn ở vị trí đối xung với sao Thiên Phủ, cho nên khi Mệnh cung có sao Thất Sát thì đương nhiên cung Phụ Mẫu sẽ là vị trí nhận ảnh hưởng ở cung đối diện luôn có sao Thái Âm – hình tượng của người mẹ.
Hỏi: Sau khi đọc xong bài viết này trong đầu em xuất hiện một suy nghĩ chớp nhoáng có phải cung phụ mẫu cũng thể hiện một số đặc tính di truyền mà bố mẹ truyền cho con cái đúng không anh?
Đáp: đúng vậy em. Do đó Phụ Mẫu với Tật Ách là đồng trục, còn Tật với Mệnh lại là Nhất Lục đồng tông.
Hỏi: nhất lục cộng tông theo em hiểu là hồn và xác. Mệnh là xác tật là hồn vậy đã ổn chưa anh. Hay nó còn tầng nghĩa khác
Đáp: hiểu vậy cũng được nhưng đừng cứng nhắc, cần linh hoạt thì mới thấm cái thâm thúy của các cụ.
Thí dụ như Tật Ách ko chỉ mô tả về bệnh, mà còn mô tả về cái sự khuyết tật ở tính tình, tư duy,… Một số người biến thái đều biểu hiện xấu ở Mệnh và Tật.
Văn Khương – Hình tượng Sao Phá Quân
VĂN KHƯƠNG Còn gọi là Tề Văn Khương, một công chúa của nước Tề thời Xuân Thu và là phu nhân của Lỗ Hoàn công, mẹ của Lỗ Trang công. Nàng là dòng dõi Tề Thái công Khương Tử Nha, có nhan sắc tuyệt vời, mặt hoa mày liễu, lại thêm học hành thông thái, Văn chương thi phú rất giỏi, ứng đúng với cái tên là Văn Khương.
Phú văn môn Đẩu Số có viết:
“Tề nữ kiến Kim phu giai do Phá Quân phùng Thiên Mã”
Giải:
“Tề tử” hay “Tề nữ” cũng đều cùng ý nghĩa, chúng dùng nói về “người con gái nước Tề” mà cụ thể là nàng Văn Khương.
Ở trong Kinh Thi có đoạn tả cảnh nàng Văn Khương đi sang nhà chồng ở nước Lỗ (lấy vua nước Lỗ là Lỗ Hoàn Công) dùng chữ “Tề tử” 齊 子:
Lỗ đạo hữu đãng,
Tề tử do quy.
Ký viết quy chỉ,
Hạt hựu hoài chỉ.
(Đường qua nước Lỗ mịt mùng,
Theo chồng Tề nữ thuận tùng phải đi.
Đã đành rằng phải vu quy,
Sao còn ôm khối tình si trong lòng).
Phá Quân vốn là tên của sao Dao Quang ở đuôi của chòm Bắc Đẩu thất tinh, quỹ đạo của nó tạo ra khi quay quanh sao Bắc Cực (Thái Ất, Thái Nhất, Tử Vi) là lớn nhất, động tính mạnh nhất, khi Thất Chính đi vào chỗ sở tọa của Phá Quân thì dấy lên điềm hung nhưng khi ở chỗ đối cung với nó thì nảy sinh cát tượng, cho nên cổ nhân tổng kết quy luật:
“Dao Quang vi Bắc Đẩu chi Tiêu, sở tọa ư hung, sở chỉ ư cát” (Dao Quang là Tiêu tinh là cái đuôi của chòm sao Bắc Đẩu, chỗ tọa của nó thì hung, còn chỗ nó chỉ tới thì cát).
Bởi vậy mà cái bố sáng tạo ra môn Đẩu Số (cứ tạm gọi là Trần Đoàn), khi muốn đặt tên cho 1 điểm tọa độ toán học trong Thiên Văn mà có các tính chất tương tự như thế liền mượn ngay cái tên Phá Quân để đặt làm giả tinh để mà sử dụng trong môn này.
Phá Quân vốn có động tính cực mạnh, chỗ sở tọa của nó vốn tàng hung, lại hãm địa càng hung ở đất Tứ Mã, khi gặp Thiên Mã thì tính động càng gia tăng, đã hung lại còn động cho nên mới gán cho sự long đong lận đận (xe hỏng mà phải dắt bộ thì cũng là long đông lận đận), nam lãng đãng nữ đa dâm, như có câu
“Phá Quân, Tham Lang phùng Thiên Mã, nam lãng đãng, nữ đa dâm”
(cái chữ “dâm” này nên chú ý là do cái quy chuẩn đạo đức và thể chế xã hội hủ nho phong kiến nó gán như vậy, chứ thời nay thì đã có khác rồi. Thời xưa thì người nữ cần an định, yên phận, nếu vì lý do nào đó mà chịu cảnh long đong phiêu đãng thì thường là như bà Vương Thúy Kiều đi làm ở công ty thờ thần Bạch My, cho nên mới bị quy kết như thế).
Trở lại một chút với bà Văn Khương, nói cho công bằng thì bà này cũng đa dâm thật sự, bởi vì từ nhỏ đã tư thông gian tình với người anh cùng cha khác mẹ là Khương Chư Hi (sau ông này làm vua Tề Tương Công của nước Tề), đến khi lấy vua Lỗ Hoàn Công mà vẫn còn ôm khối tình si, nhân khi theo Lỗ Hoàn Công đi gặp Tề Tương Công thì lại xảy ra chuyện thông dâm với Tề Tương Công, khiến cho Lỗ Hoàn Công nổi giận. Và cũng vì chuyện này mà Lỗ Hoàn Công bị Tề Tương Công lập mưu sát hại.
Sau khi chồng chết, bà Văn Khương công khai về ở Tề Tương Công luôn. Đại thể cái bà này đều có chồng là vua cho nên trong câu phú trên dùng từ “Kim phu” để mô tả, chứ không phải “Kim phu” = “người đàn ông nước Kim” như cụ Thái Vân Trình đã nói.
Hỏi: Tuổi Quý Anh tinh nhập miếu cách nhưng ngộ Triệt có còn “anh tinh” nổi nữa không thầy
Đáp: Tuổi Quý mà Phá tại Tý thì tệ cho tiền vận, vì Lộc tồn bị không vong nó phá. Hậu vận sẽ vẫn được tính là anh tinh nhập miếu.
Vương Hàn – Hình tượng Sao Văn Khúc
Vương Hàn có tên tự là Tử Vũ (687-735), người đất Tấn Dương (nay thuộc Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Thi đỗ tiến sĩ vào năm Cảnh Vân nguyên niên (710) đời Đường Duệ tôn. Trưởng sử Tịnh châu là Trương Huệ Trinh hâm mộ tài của Vương Hàn, đề bạt ông làm Huyện úy Xương Nhạc. Năm Khai Nguyên thứ 9 (721), Trương Duyệt khi lên làm Tể tướng đã triệu Hàn về làm Bí thư Chính tự, để giúp mình trong các công việc thư tịch.
Vương Hàn con nhà giàu có, tính tình hào phóng phong lưu, trong nhà nhiều ngựa quý, có nuôi cả ban kỹ nhạc. Hàn thường khi uống rượu vui chơi vẫn tự sánh mình với bậc vương hầu, thành thử bị nhiều người đố kỵ. Năm 726, Trương Duyệt thất sủng, phải giáng làm Trưởng sử Nhữ Châu, Vương Hàn cũng liên lụy, bị đổi ra Tiên Châu (nay thuộc Liêu Ninh) làm chức nhàn quan hữu danh vô thực là Biệt giá. Sau ông lại bị biếm ra Đạo Châu (nay thuộc huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam) làm Tư mã, cũng là chức nhàn quan.
Vương Hàn tính tình cuồng phóng, lại thêm hoạn lộ gập ghềnh bất như ý, từ đó hun đúc nên tài thơ ông. Thơ Hàn gân guốc cứng cỏi nhưng dạt dào tình cảm, là thi nhân đứng đầu trường thơ biên tái Thịnh Đường. Với bài “Lương Châu từ”, Vương Hàn được người đời tôn làm quỳnh lâm ngọc thụ trên thi đàn.
Vương Hàn Mệnh lập tại cung Thân (khỉ), Di có Cự Nhật ở Dần, Quan có Đồng Âm ở Tý, Tài có Cơ Lương ở Thìn. Năm 687 là Đinh Hợi nên mệnh cách này được đủ Khoa Quyền Lộc hợp chiếu, Di cung Cự Kị xung chiếu.
Sách nói:
Tử Vũ tài năng Cự tú Đồng Lương xung thả hợp.
Câu 42 của Đẩu Số trực đoán 150 điều lại nói:
Thái Dương hội Cự Môn ở Thiên Di cung, thấy Sát Kị, chủ chết nơi đất khách quê người.
Quả là ứng nghiệm với Vương Hàn. Ông mất vào thời Đường Huyền Tôn, lúc đang trên đường trấn nhậm Đạo Châu.
Khúc “mã thượng” trong bài Lương Châu từ, cũng là một đề tài mà xưa nay đã khiến cho nhiều người bị hiểu lầm:
Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
(Rượu vang màu đẹp chén pha lê
Sắp uống đàn vang hành khúc hề
Say gục sa trường đừng cười nhé
Xưa nay chinh chiến mấy ai về).
Cái câu “Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi”, trước giờ nhiều người hiểu nhầm là “Muốn uống mà đàn tỳ bà lại vang lên giục dã phải lên ngựa ra đi”. Kỳ thực thì ông ta chẳng phải đi đâu cả, chỉ là ngay lúc ấy thì đàn tỳ bà chuyển sang khúc nhạc thuộc thể loại hành khúc có tính chất giục giã… zô zô 100%
Trong chòm sao Bắc Đẩu Thất Tinh thì có sao Văn Khúc (ở vị trí thứ 4) và Vũ Khúc (ở vị trí thứ 6). Còn trong âm nhạc xưa cũng có 2 loại giai khúc là Văn Khúc và Vũ Khúc.
Văn Khúc là những khúc nhạc có giai điệu trữ tình, tiết tấu chậm, da diết, tả cảnh tả vật thơ mộng như khúc “Phụng cầu Hoàng” của chàng Tư Mã Tương Như tán tỉnh nàng Trác Văn Quân, như khúc “Nghê Thường”, khúc “Cao sơn lưu thủy”,…
Vũ Khúc là những khúc nhạc có giai điệu hùng tráng, bi tráng, tiết tấu thường nhanh gấp gáp, tả cảnh hành quân, chiến trận như khúc “Thập diện mai phục”, “Bá vương xả giáp”,..
Như vậy, khúc nhạc “mã thượng” mà Vương Hàn miêu tả chính là thuộc thể loại Vũ Khúc.
(Ai muốn tìm hiểu thêm về “Văn/Vũ – Khúc” thì đọc bài “Âm nhạc trong truyền Kiều” của cố GS. Trần Văn Khê).
Ngày xưa, nữ nhân vùng Giang Nam, Giang Đông, thường có cá tính rất mạnh mẽ, có sở trường về âm nhạc cho nên Văn Khúc, Vũ Khúc đều thông thạo, khi chơi Văn Khúc thì múa giải lụa thướt tha, khi chơi Vũ Khúc thì múa kiếm điệu nghệ.
Nàng Đại Kiều (vợ của Tôn Sách), nàng Tiểu Kiều (vợ Chu Du) và nàng Tôn Nhân (Tôn Thượng Hương, em gái Tôn Quyền, vợ Lưu Bị) đều là những nhân vật đặc trưng. Sau này có nàng Vương Thúy Kiều cũng thông thạo Văn Khúc, Vũ Khúc. Nhưng mà số phận các nàng đó đều có chỗ khiếm khuyết, như Đại Tiểu Kiều thì đều tử biệt – sớm góa chồng, Tôn Nhân thì có chồng mà phải sinh ly đến cuối đời chết trong cô độc, Vương Thúy Kiều thì lưu lạc lầu xanh long đong bạc phận,…
Trong môn Đẩu Số, cổ thư đều cho rằng nữ mệnh không hợp với Văn Khúc (vì e ngại có dâm tính) và không hợp với Vũ Khúc (vì e ngại tính cương quả phụ), đều là những tính chất kết hợp từ các hình tượng tạp chiêm trong xã hội mà thành.
Hỏi: Thầy cho e hỏi, văn khúc cư quan là chủ về hoạt động trong giới nghệ thuật ạ?
Đáp: Chưa chắc em ạ. Có thể chỉ nêu lên rằng cá tính đương số lãng mạn và có năng khiếu thưởng thức nghệ thuật. Đồng thời cũng có chuyên môn cao, kiến thức chuyên môn sâu, mà chuyên môn này ko nhất thiết phải thuộc về nghệ thuật.
Hỏi: Tinh hệ của e giống với seri bài vừa rồi của thầy, đều là tử sát tại tỵ. Mà sao em cảm thấy thua xa các tiền nhân quá thầy ạ. em mệnh cơ lương
Đáp: Vậy thì phải cố gắng thôi
Hỏi: Em nghĩ chắc do bên tàu khác bên ta do hoàn cảnh địa lý đó thầy ạ
Đáp: Khác nhiều thứ lắm, thời thế khác, quy tắc đạo đức và phong khí xã hội khác. Nhưng số mệnh vẫn vận hành cùng 1 cái lý của nóHỏi: Cách chết nơi đất khách quên người theo sáng ý của lão thì do sát tụ di cung hay bộ cự nhật?
Đáp: Do hạn có thêm các sát kị tinh đánh vào chứ bản thân Cự Nhật Kị thì nó chỉ mô tả là đi rất xa quê nhà thôi.
Hỏi: Đến hạn vũ khúc, văn xương hay bị chàm , bệnh ngoài da hả anh Tiep Khac Pham. Em nghiệm lí thấy thế?
Đáp: Xương Khúc, Đà La, Vũ Khúc đều chủ về có nốt ruồi, có vết chàm, vết bớt,.Hỏi: Xương Khúc là bóng đo của Nhật Nguyệt là như thế nào vậy ạ?
Đáp: Có rất ít người biết rằng phố Khâm Thiên ngày xưa còn được gọi là phố Xích Đạo. Nguyên do là bởi vì nó nằm thẳng tắp dọc theo trục Đông – Tây, lại nằm vuông góc với đường kéo từ tâm Hoàng Thành qua Ngọ Môn, Cửa Nam thẳng ra.
Ở đây, hẳn là khi xưa các thiên văn gia nổi tiếng của nước ta như Đặng Lộ (người phát minh kính viễn vọng có tên “lung linh nghi”) và Trần Nguyên Đán (tác giả cuốn”Bách thế thông kỷ thư”) cũng từng sử dụng công cụ đo đếm thời gian: trụ đồng để đo bóng nắng.
Với kỹ thuật lấy bình độ cho mặt phẳng, xưa kia thường dùng nước, họ xẻ 1 rãnh nước theo trục Đông – Tây ngay kế bên đường mà bóng nắng của trụ đồng in xuống để căn chỉnh độ phẳng.
Trụ Đồng – Kim ;
Vạch Nước – Thủy…..
Các bạn chơi môn Đẩu Số, đã có ai nhận thấy điều gì thú vị chưa.
Vâng, nó chính là bộ sao Xương Khúc, chuyên quản về danh tiếng, học vấn và chuyên môn của chúng ta.
Sao Văn Xương (có ngũ hành là Kim) ;
Sao Văn Khúc (có ngũ hành là Thủy).
Dự Nhượng – Hình Tượng Sao Hỏa Tinh Linh Tinh
Dự Nhượng vốn là đệ nhất kiếm khách thời Đông Chu, vì trả thù cho chủ cũ nên quyết tâm đi hành thích Triệu Tương Tử là Chúa Công của nước Triệu nên ông còn được mệnh danh là Đệ Nhất Thích Khách Thời Chiến Quốc
Bao nhiêu lần hành thích không thành mà vẫn không hề nản chí, sau tự rạch mặt mình để hủy dung mạo nhằm cải trang để hành thích Triệu Công tiếp (ngày xưa họ từng quen biết nhau) nhưng vẫn không thành. Triệu Công dù rất sợ Dự Nhượng nhưng cũng rất coi trọng ông ta vì tài năng kiếm thuật cũng như lòng trung thành với chủ cũ, nên mấy lần bắt được đều thả Dự Nhượng ra mà không giết.
Lần cuối cùng, Dự Nhượng hành thích vẫn không giết được Triệu Tương Tử. Do hiểu rằng không giết Dự Nhượng đi thì cũng chẳng bao giờ thu phục được ông này cho nên Triệu Công đành hạ lệnh chém. Trước khi chết, Dự Nhượng xin Triệu Công ban cho ân huệ cuối là hãy cho ông ta cái áo của Triệu Công, ông ta muốn đâm cái áo mấy nhát để cho trọn vẹn cái nghĩa báo thù cho chủ cũ, Triệu Công chấp thuận vì phục lòng trung thành và tài năng của ông này.
Trong môn Đẩu Số:
Bài phú về Hình Tính có ví các sao Hỏa Tinh, Linh Tinh với ông Dự Nhượng về Hình dáng vẻ mặt u sầu nhưng chưa nói đến Tính tình, thực ra thì tính tình của Dự Nhượng cũng là đặc trưng của tính Hỏa Linh. Hỏa Linh chủ về sự quyết liệt, lâu bền, dai dẳng, kiên trì quyết tâm bền chí,… mong muốn làm cái gì mà quyết tâm bền chí thì tất sẽ có thành tựu vậy.
Trong khi Tham Lang chủ dục tính (nghĩa rộng là nhu cầu, ham muốn, tham vọng chứ không phải nghĩa hẹp về sắc dục). Kình Dương cũng là sao chủ về tham vọng, nhưng thiên về tính chất sát phạt tiên phong,… Nó là sự thái quá, lỡ thời khi quá đà, quá trớn trong chu trình của vị trí Lộc Tồn.
Cho nên, Tham Lang hay Kình Dương mà gặp Hỏa Tinh, Linh Tinh ở các vị trí đắc địa đều là cách cục dễ dẫn đến thành công. Gọi là cách Tham Hỏa Tương Phùng, Tham Linh Tịnh Thủ, Hỏa Kình (hoặc Hỏa Dương).
Hỏi:
Đại vận này em có chút thành công, phải chăng là do Tham + Hỏa ạ?
Đáp: vốn Thiên Lương bị Hỏa Tinh phá cách, nhưng Hỏa ở sẵn Mệnh cung, vận đến Tham Lang thì cũng ứng hợp mà được mát mày mát mặt.
Cái việc được hưởng này nó còn do Quyền Lộc tuần phùng cát hóa cho 2 sao Tham Vũ, bởi vậy mới là có quyết tâm và gặp lúc thuận lợi.
Hồi đáp: Dạ, đại vận này vất vả 3 năm đầu, đến nay mọi chuyện tương đối ổn ạ…Hỏi: Ohhh giờ em biết mình có hoả kình ở thiên di
Đáp: đó là cách mà người khác sẽ thấy em quyết tâm ứng xử của em khi đụng việc ở bên ngoài, đã quyết tâm làm chuyện gì thì cũng sẽ xử lý cho rốt ráo.Hỏi: Quan :Tham Kình hãm ở tý có phải công việc hay có cạnh tranh ,khó thành công ạ?
Đáp: nguy hại vô cùng nếu không có nhiều cát tinh cứu giải (ngoài cặp Đế Quyền đối ở Thê).Hỏi: Công nhận tính chất đặc thù hoả linh kình tham nó khủng khiếp
Nhập vận trình cũng vậy,sự quyết tâm và bền bì của con người tăng đột biến lão nhỉ ?
Đáp: thi thoảng ta thấy trong bóng đá hay 1 số môn thể thao, các cầu thủ chơi như lên đồng hoặc như dùng thuốc kích thích, đó chính là sự hưng phấn hệ thần kinh theo đúng tính chất Tham Hỏa, Hỏa Kình.Hỏi: Hoả tham khác với linh tham và tử linh và tham linh thế nào thầy? Lá số có phi việt hoả nhưng không có linh và hình thì có đáng sợ ko thầy
Đáp: khác ở Hỏa thuộc Dương hỏa, còn Linh thuộc Âm hỏa.
Dương thì hiển lộ, mãnh liệt, Âm thì âm thầm, thâm độc.
Bản thân Khôi Việt sợ Hỏa / Linh, đó là cái mầm họa, các yếu tố kia chỉ là sự gia tăng về môi trường và hình tượng.
Khôi Việt là trí tuệ, là cái đầu, gặp hỏa tượng Hỏa của Hỏa Linh thì ảnh hưởng về sự sáng suốt trong quyết định, bị đột quỵ hay tăng xông,…
Khi có thêm Hình thì gia tăng thương tích, còn Phi Liêm là sự nhanh chóng của họa, cho nên Hỏa Linh Hình Việt (Phi) mới thành cái tượng bị tên bay đạn lạc…
Hỏi tiếp: cảm ơn thầy, mệnh tử phủ phi việt, tham linh tại phúc, di sát hoả thì có khống chế được thằng hoả tinh không thầy? Có phi việt hoả linh trước kia nóng tính kinh khủng nhưng giờ đỡ hơn nhiều rồi. Hình như các sát tinh càng ngày càng yêú đi thì phải
Đáp: Tử Phủ vốn đã có sẵn khả năng chế được Hỏa Linh rồi.
Tham Lang là dụng hỏa linh chứ không có công năng chế nóHỏi: Anh Bội cho em hỏi vì đâu nam và bắc phái an cặp hoả linh khác nhau và nên an như thế nào ạ
Đáp: Nên an như sách Thái Thứ Lang, vì hệ thống Nam phái chú trọng vào tinh đẩu và các thần sát. Còn Bắc phái xem trọng Tứ Hóa và coi nhẹ thần sát nên họ bị tam sao thất bản trong cách an các thần sát.
Hỏi: Anh cho em hỏi có cách: Hoả Đà không ạ? Hay phản cách chỉ được hình thành bởi các sát tinh dương: Kình – Hoả – Không? Tham Linh Kình đắc địa thêm cả Văn Xương thì hiểu ntn hả anh?
Đáp: Đà La ko phải tham vọng, nó là trạng thái lỡ thời vì chậm chân trong chu trình Lộc Tồn, nên ko thể hình thành cách tốt đẹp cho Hỏa Đà, mà thành hung cách, Linh Đà còn hung hơn nữa.
Hỏa Linh là khắc tinh của Xương Khúc, nó phá hỏng Xương Khúc, và Tham Lang cũng không ưa gì cặp Xương Khúc cả.
Hỏi tiếp: vâng anh. Tham-Linh-Kình đồng cung thì có được coi là cách tốt không ạ? Hay Tham-Hoả-Kình mới được tính?
Đáp: Cả 2 đều tốt chỉ khi nó không bị phá cách như bài hôm nọ a viết về cô gái làm má mì.
Lục Châu – Biểu Tượng của Không Kiếp
Lục Châu là một mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. Nàng là sủng thiếp của An Dương hầu Thạch Sùng, một đại thần của Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc
Lục Châu là mỹ nhân xinh đẹp tuyệt thế, rất giỏi thổi sáo và múa hát, là một trong những mỹ nhân trứ danh thường được nhắc đến trong các điển tích cổ đại. So với những người đẹp kia thì Lục Châu được ca ngợi vì thà chết chứ nhất định không chịu đánh mất tiết hạnh và tình nghĩa phu thê. Nàng là sủng thiếp của Thạch Sùng, người giàu nhất nhì thiên hạ vào thời Tây Tấn.
Tương truyền Lục Châu mang họ Lương, sinh ra ở thôn Lục La, trấn Song Phượng, Bạch Châu (trước khu này còn bao gồm luôn địa phận Hợp Phố, thủ phủ của châu ngọc, nay thuộc Quảng Tây). Cũng như truyền thống người Bách Việt cổ đại, con gái vùng này thường được gọi là Châu Nương.
Vào năm nọ, Thạch Sùng nhân chuyến công vụ tới xứ Giao Chỉ, trên đường về có đi qua trấn Song Phượng, liền đem mấy đấu ngọc bích vừa có được ở Giao Chỉ đến nhà Lục Châu để hỏi nàng về làm thiếp.
Cũng vì việc Thạch Sùng lấy ngọc minh châu để hỏi cưới nàng, nên một số người mới cho rằng đó là gốc tích của cái tên Lục Châu. Và cái thành ngữ “Châu về Hợp Phố” cho đến nay vẫn còn tranh luận rất chi là sôi nổi trong giới chơi ngọc về các điển tích ngọc lấy ở Giao Chỉ chỗ nàng Mị Châu tử nạn hay là liên quan đến nàng Lục Châu.
Xưa nay, nhắc đến Thạch Sùng, người ta chỉ biết ông này giàu chứ ít ai biết rằng tay này rất tài năng và mưu trí. Ngay khi 20 tuổi đã tham gia chiến dịch bình định Đông Ngô để thống nhất Tam Quốc, Thạch Sùng được phong An Dương Hầu, làm Thứ sử Kinh Châu, kiêm Hiệu Úy nam phương. Về sau, lại được thăng làm Thái Bộc và Vệ Úy. Thạch Sùng cất một biệt thự rất tráng lệ gọi là Kim Cốc, thường hội họp bạn bè ở đây để ăn uống, chơi bời. Trong đó xây cất lầu gác nguy nga, giăng toàn gấm vóc, đồ trân quý nhiều không kể xiết, mỹ nhân trong đó nhiều tới cả ngàn người, nhưng từ khi nàng Lục Châu về thì họ đều bị lu mờ trước vẻ đẹp của nàng.
Đương thời, Triệu vương Tư Mã Luân (con trai thứ 9 của Tư Mã Ý) làm Thừa Tướng chuyên quyền và luôn có ý định cướp ngôi của Huệ Đế (xét vai vế phải gọi Tư Mã Luân là ông). Luân lại tin dùng 1 mưu sĩ là Tôn Tú, mà Tú thì rất mê tài sắc của Lục Châu, cho nên rắp tâm xúi Tư Mã Luân giả truyền thánh chỉ vu cho Thạch Sùng làm phản mà đem đại binh đến tiêu diệt. Thạch Sùng vốn có thừa tài năng và mưu lược, quân sĩ ở Kinh Châu cũng không phải là ít, nhưng biết rõ là thứ nhất bản thân thì không thể chống lại thánh chỉ và quân sĩ lại càng không dám kháng chỉ, thứ hai là Tư Mã Luân chỉ muốn cướp tài sản của mình, thứ ba Tôn Tú thì rắp tâm cướp nàng Lục Châu.
Lục Châu đương buổi hầu rượu Thạch Sùng trên lầu Kim Cốc, biết chuyện vì mình mà Thạch Sùng mang họa sát thân và để tránh bị Tôn Tú chiếm đoạt cho nên đã than thân một hồi rồi gạt lệ mà gieo mình từ trên lầu xuống tự vẫn để bảo toàn tiết hạnh và tình nghĩa trọn vẹn với Thạch Sùng.
Từ đó điển tích “Lục Châu trụy lâu” trở thành đề tài kinh điển cho các tác phẩm thơ ca nhạc kịch,… Các thánh thơ như Lý Bạch, Tô Đông Pha, Đỗ Mục,… cũng đều từng múa bút mà ca ngợi nàng. Các thi nhân đời sau thường lấy hình ảnh cánh hoa quế rơi rụng để mô tả hình ảnh Lục Châu nhảy lầu. Do vậy trong dân gian, Lục Châu được tôn làm Quế Hoa Thần.
Trong môn Đẩu Số có câu:
“Kiếp Không hạn lâm Sở Vương táng quốc Lục Châu vong”
Nghĩa là: Hạn gặp Địa Không, Địa Kiếp, thì dễ mất nước như Sở Bá Vương Hạng Vũ, dễ bị vong mạng như nàng Lục Châu.
“Điếu khách Tang môn, Lục Châu hữu đọa lâu chi ách”
Nghĩa là: Hạn gặp Điếu Khách, Tang Môn thì dễ gặp tai họa buồn đau, dễ gặp tai nạn ngã lầu xuống, nặng thì có thể chết như nàng Lục Châu.
Các sao Tang Hổ, Tang Điếu nếu như mà đi kèm với bộ Cơ Lương, thấy năm có Thái Tuế dẫn động thì nên đặc biệt chú ý kẻo có chuyện đau lòng, kẻo bị té ngã đến nỗi nhẹ thì gãy chân tay, nặng thì vong mạng. Té ngã ở đây bao gồm cả nghĩa đen (khi leo trèo cây cao, lầu cao) và cả nghĩa bóng (khi ở các vị thế cao hơn người).
Điếu Khách bản chất là chủ về sự than vãn, đau lòng, ca thán (kỳ sau chúng ta sẽ gặp bài siêu than vãn là bài Ly Tao của lão đồ gàn Khuất Nguyên), còn Tang Môn chủ về máu, Bạch Hổ chủ về xương, cho nên nếu người ta hạn gặp Tang (Hổ) Tuế Điếu cũng thường đau lòng vì chia lìa với máu mủ ruột rà của mình vậy.
ĐẶNG THÔNG – Hình tượng Sao Đại Hao

Đặng Thông được sử sách tương truyền rằng là người yêu của Hán Văn Đế Lưu Hằng thời Tây Hán. Tục truyền rằng Hán Văn Đế Lưu Hằng vào 1 đêm nọ mộng thấy đi đến cửa Trời (Thiên Môn), dù đã cố hết sức nhưng vẫn không bước lên được Nam Thiên Môn. Xảy đâu có 1 người tiến tới đỡ bước nên mới vào được, quay lại nhìn thì không rõ mặt mũi, chỉ thấy đầu quấn khăn vàng, áo buộc ngang lưng, toan cất tiếng gọi lại thì chợt tỉnh giấc.
Hôm sau, khi Văn Đế đi dạo Tây cung thì thấy một thủy thủ trên thuyền ngự đầu quấn khăn vàng, áo buộc ngang lưng, giống hệt như người đã thấy trong mộng, bèn gọi tới hỏi tên họ là Đặng Thông. Văn Đế nghĩ thầm, người có thể phụ tá cho ta là Quý nhân đăng Thiên môn thì ắt là có tài, người này lại mang họ Đặng cũng đồng âm với chữ Đăng (tiến lên, nâng lên), mang tên Thông là sự thuận lợi suôn sẻ. Nghĩ đoạn thấy rất đắc ý với sự phân tích của mình về “ứng mộng hiền thần”, cho nên Lưu Hằng phong chức cho Đặng Thông và từ đó trở đi rất sủng ái ông này.
Đặng Thông cũng rất trung thành, có lần Lưu Hằng bị cái nhọt ở sau lưng thì Đặng Thông liền ghé miệng hút máu mủ hôi tanh ra trong khi ngay cả Thái tử Lưu Khải cũng không dám hút. Cho nên Lưu Hằng mới cho rằng trên đời này người yêu mình nhất chính là Đặng Thông, đi đâu cũng đem theo ông này giúp phụ chính, đêm còn cho ngủ chung giường.
Lần nọ, Văn Đế gọi thần tướng Hứa Phụ tới xem tướng của Đặng Thông, xem xong Hứa Phụ nói, người này có cái tướng “đằng xà nhập khẩu” (2 đường pháp lệnh chạy vào trong hai bên miệng) cho nên cuối đời ắt chết vì đói rét. Nghe vậy Lưu Hằng cười nhạt nói “Hoang đường. Trẫm có thể ban cho Đặng Thông của ăn đến mấy đời cũng không hết, sao hắn có thể chết vì đói rét được”.
Bản thân Văn Đế sống rất tiết kiệm, nhưng lại không tiếc vàng ngọc để ban thưởng cho Đặng Thông, thậm chí còn thưởng cho Đặng Thông cả núi đồng ở Ba Thục và cho phép được đúc tiền mà tiêu. Từ đó khiến cho họ Đặng nhanh chóng trở thành người giàu nhất thiên hạ. Chính vì những chuyện này mà Hán Văn Đế được liệt vào 1 trong những hoàng đế đồng tính của Trung Quốc, và đó cũng là lý do mà Thái tử Lưu Khải rất ghét Đặng Thông. Cho nên khi Văn Đế qua đời, Lưu Khải đăng cơ liền bãi quan chức của Đặng Thông, tịch thu toàn bộ gia sản, khiến cho họ Đặng chớp mắt thành trắng tay cuối đời sống trong cảnh nợ nần túng thiếu và chết vì đói rét, ứng với lời Hứa Phụ năm xưa.
Trong môn Đẩu Số có câu:
“Đặng Thông cơ tử vận phùng Đại Hao chi hương”
Cụ Thái Vân Trình hiểu lầm chữ “Cơ” chữ “Tử”, tưởng rằng những chữ này là chỉ sao Thiên Cơ và sao Tử, cho nên cụ Thái Vân Trình xếp câu phú đó vào nhóm các câu nói về sao Thiên Cơ. Kỳ thực, chữ “Cơ”饑 (bộ Thực 食, thức ăn) nghĩa là đói, khác với chữ “Cơ” nghĩa là then máy trong sao Thiên Cơ. Cho nên “Đặng Thông cơ tử” có nghĩa là “Đặng Thông chết đói”.
Trong TVĐS Toàn Thư, Toàn Tập, thì không dùng chữ “cơ” mà viết là “ngạ” 餓 (bộ Thực食) cũng có nghĩa là đói, bị đói…
Đặng Thông ngạ tử, vận phùng Đại Hao chi hương,
Phu Tử tuyệt lương, hạn đáo Thiên Thương chi nội.
Nghĩa là:
Đặng Thông chết đói, là do vận gặp chỗ của sao Đại Hao,
Khổng Tử bị hết sạch lương thảo, là vì hạn vào trong chỗ của sao Thiên Thương.
Sao Đại Hao mà vận hạn của Đặng Thông gặp phải là sao Đại Hao được an theo Địa Chi tuổi. Sao Thiên Thương mà Khổng Tử gặp phải thì ở cung Nô và còn được gọi là sao Thiên Hao.
Vận hạn gặp chúng có sát kị tinh tụ tập thì nhẽ sẽ bị đói trơ mõm, nặng sẽ mất sạch rồi đi ngắm củ tỏi.
Chú ý phân biệt với các sao cũng có tên là Hao khác
Thiên Hao vốn có 2 loại:
- Chính là sao Thiên Thương, loại có số vị = 6 tính thuận từ Mệnh cung.
- Chính là sao Lôi Đình Sát, loại an theo Tháng, từ cung Tháng sinh đếm là 1 đi thuận đến số vị = 6, từ đó lại đếm là 1, thuận đến số vị = [6 + (T-1)] với T = Tháng sinh, thì an tinh.
Sao này có cặp với sao Âm Sát, lại còn có mối quan hệ với Địa Hao an theo Tháng. Chú ý, “Địa” chứ không phải “Đại”.
Đại Hao an theo Địa Chi vốn có 2 loại:
- Chính là sao Tuế Phá, trong các môn tiền thân của TVĐS gọi là Đại Hao, hiện nay vẫn thấy Thất Chính Tứ Dư và Phong Thủy Địa Lý gọi như vậy.
An như sau:
Đại hao tiểu hao tối vi hiềm,
Giá tiền lục thất vị tương liên.
Thân mệnh điền tài câu trị thử,
Túng nhiên phát đạt phá gia diên.
(Đại Tiểu Hao kia rất khó ưa
Trước Tuế sáu, bảy, tiếp nối đưa
Thân Mệnh Điền Tài mà gặp chúng
Đúng là trúng chỗ phá tổ thừa). - Sao “Đại Hao” mà Đặng Thông gặp còn gọi là Đại Hao Sát, sao này có tham gia phát động hung họa ở thời điểm phá sản của cách “Lộc đảo Mã đảo”.
Nguyên tắc an:
Năm dương thì đi nghịch từ Thái Tuế đến số vị = 6.
Năm âm thì đi thuận từ Thái Tuế đến số vị = 6.
Hỏi đáp về phần Đặng Thông – Hao Tinh
Hỏi: Em thấy bạn em nó có Hao cư Tài tại Tý gặp Phá Quân tuổi Tân Mùi mà nó giàu đó anh . Có đôi lúc tử vi chỉ đúng một khía cạnh a nhỉ ?
Đáp: ở trên a nói là chú ý kẻo nhầm sao Hao. Cái sao em nói là sao Hao thuộc vòng Bác Sĩ Lộc Tồn.Hỏi: Lôi đình sát hình sao này nam phái k có đúng k ạ? Còn cách ” mã đảo, lộc đảo” là như nào ạ, e cũng chưa nghe bao giờ
Đáp: Nó thuộc hệ thống thần sát cổ của Nam phái, nay đã lược bỏ đi rồi, cũng giống như sao Âm Sát đã được lược bỏ. Tuy nhiên nhiều người vẫn biết đến sao Âm Sát vì nó cho biết về khả năng tâm linh, năng lực bói toán của đương số.Hỏi: Mệnh có song hao cư dần đến đại hạn cự môn cư tị có ăn được bộ song hao không anh?
Đáp: Bài trên anh nói đến sao Đại Hao an theo Địa Chi, không nói đến cặp Song Hao an theo Thiên CanHỏi:Tác giả Ông phúc dụ vẫn dùng âm sát luận coi như một sát tinh cùng lục sát tinh anh ạ
Đáp: Khi dùng thuần thục thì sao Âm Sát cũng cho nhiều thông tin hay lắm. Vì nó chủ sự nhạy bén và thăng hoa trong hệ thần kinh của đương số.
Hỏi tiếp: âm sát và lôi đình sát là một cặp âm dương,lấy trục sửu mùi phân chia mà tại sao họ không dùng lôi đình sát vậy anh,lôi đình sát đặc tính lớn nhất của nó là gì ạ
Đáp: tính chất như tên gọi của nó, chính là sự thịnh nộ trong khi hệ thần kinh bị kích động.
Giận quá mất khôn nên nảy sinh tính sát, tính hao tổn mất mát do đập phá, đạp đổ,…
Bỏ đi vì sợ nhiễu thông tin, do có quá nhiều sao, nhiều tượng, khi phối sao hợp tượng sẽ khiến cho nhiều người bị loạn.
Hỏi tiếp: Dạ anh,có chỗ em không hiểu là sao Địa hao tháng là sao gì và trong câu thơ khi nói đến sao Tuế phá -tức sao Đại hao anh có viết:”Đại tiểu hao kia rất khó ưa
Trước Thái tuế sáu ,bảy tiếp nối đưa” cứ theo vòng thái tuế thì tuế phá là đại hao vậy sau tuế phá là long đức -còn gọi là tiểu hao có phải không ạ
Đáp: Địa Hao an theo Tháng sinh vẫn còn thấy trong môn Thất Chính Tứ Dư (bà ngoại của môn Tử Vi), em tham khảo trong đó.
Đếm từ cung có Thái Tuế là 1, thuận đến cung số 6 là Tiểu Hao, cung số 7 là Đại Hao.
7 chính là Thất,
là hung là sát là hao,…
cho nên Thiên Phủ 1 thì Thất Sát 7, Thiên Tướng 1 thì Phá Quân (Hao) 7.
Còn tiếp…..
Thay lời kết
Tử Vi Phương Đông vốn rất hay gán ghép các hình tượng thời phong kiến vào trong hệ thống sao của mình. Tuy vậy, các nhân vật được sử dụng thường khá sát về tính tình, tính chất của các sao nên những bài viết kiểu này cũng khá hay, vừa giúp bạn đọc giải trí, vừa giúp người học nhanh nhớ lý tính chư tinh.
Chân thành cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết, có bất kỳ thắc mắc hay bất kỳ điều gì muốn phản ánh, vui lòng hãy comment ngay dưới bài viết này hoặc gia nhập Group Tử Vi Cổ Học Phương Đông để Cohoc.vn được trao đổi cùng với các bạn.